Nhà đầu tư chịu sức ép tài chính phải giảm giá bán

Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng từ giữa năm 2022, theo đó thanh khoản liên tục sụt giảm. Cùng với lãi suất cho vay liên tục tăng mạnh thời gian qua khiến các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính gặp nhiều áp lực. Không ít nhà đầu tư đầu năm “tất tay” vào đất nền, đến nay đành giảm giá sâu để thu hồi vốn.

Anh Nguyễn Quang Hà, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, đầu năm nay, anh chi 9 tỷ đồng mua 2 mảnh đất tại Sóc Sơn với giá 7 tỷ đồng; 1 mảnh Mê Linh giá 2 tỷ đồng với kỳ vọng giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, kỳ vọng của nhà đầu tư này đã đổ vỡ khi quý II/2022, thị trường đột ngột nguội lạnh. “Khi mua 3 mảnh đất tôi đi vay 2,5 tỷ đồng. Đến giờ, lãi suất liên tục tăng cao, nhưng giá đất không tăng và khó bán, thậm chí có khả năng chôn vốn nhiều năm. Muốn bán được tôi đành phải giảm giá sâu tới 2 tỷ đồng cho cả 3 mảnh đất”, anh Hà nói.

Trước áp lực tài chính, anh Hà cũng đành ngậm ngùi bán tất cả lô đất đang nắm giữ với giá 7 tỷ đồng để trả nợ. “Như vậy, sau gần một năm đầu tư, coi như tôi bị bốc hơi mất 1 mảnh đất tương đương giá trị 2 tỷ đồng”, nhà đầu tư này nói.

Cùng hoàn cảnh, chị Liên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cuối năm ngoái, gia đình chị dồn hết tiền tiết kiệm được 2 tỷ đồng và vay thêm 1 tỷ để mua mảnh đất tại Thanh Oai (Hà Nội) với diện tích 110m2, giá 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơn sốt đất nhanh chóng bị dập tắt, theo đó, mảnh đất chị đang nắm giữ giảm xuống còn 2,4 tỷ đồng.

“Dù không muốn bán, nhưng thời gian gần đây khó xoay xở tài chính nên vợ chồng tôi quyết định bán đi để trả nợ. Như vậy, chỉ sau 1 năm đầu tư tôi lỗ tương đương với một chiếc xe ô tô bình dân”, chị Liên nói.

5gbb.jpg

Thực tế, hiện nay thị trường không thiếu những nhà đầu tư vì áp lực tài chính mà phải giảm giá bán bất động sản từ hàng triệu đồng đến cả tỷ đồng, để thu hồi vốn.

Thị trường bất động sản sẽ sớm đảo chiều

Theo anh Nguyễn Tùng, chủ một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, thanh khoản trên thị trường càng sụt giảm về cuối năm. Do vậy, nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính trước đó phải chấp nhận giảm giá để thoát hàng sớm.

“Không ít người tất tay vào đất nền, đến thời điểm này thanh khoản khó họ phải giảm giá rất sâu. Đặc biệt, cuối năm là lúc tất toán nhiều khoản tài chính nên áp lực của nhà đầu tư càng gia tăng. Hiện tại, những lô đất nền vùng ven đều có mức giảm giá phổ biến từ 20 - 30%”, anh Tùng nói.

Anh Tùng cho biết thêm, có một số ít nhà đầu tư vì chưa bán được đất cũng phải chấp nhận đi vay lãi cao để trang trải. Do vậy, thời điểm này là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư có tiềm lực. Tuy nhiên, trước khi xuống tiền người mua vẫn cần phải cân nhắc, tham khảo kỹ về giá cả để tránh mua “hớ”.

“Nhà đầu tư nào am hiểu về thị trường có thể xuống tiền mua ngay nếu tìm được mảnh đất có giá tốt. Còn nếu chờ đợi tín hiệu mới từ việc tháo gỡ của Nhà nước thì có thể chờ thêm 3 - 6 tháng nữa”, vị này nói.

Từ những động thái tích cực tháo gỡ cho thị trường bất động sản của Chính phủ, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường có thể sẽ sớm phục hồi vào năm sau. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản.

Đưa ra dự báo về thị trường thời gian tới, ông Đính cho rằng, trong quý I/2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái. Bên cạnh đó, đầu năm sau có thêm room tín dụng mới, thị trường sẽ sôi động hơn khi đón nhận lượng giao dịch từ người có nhu cầu thực và một số nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, thị trường sẽ không có chuyện xảy ra sốt đất như thời điểm đầu năm 2022.

(Theo Nhịp Sống Thị Trường)