Hết thời dự án “treo”, “đất vàng” bỏ hoang 

Việc mạnh tay xử lý đối với các dự án, quy hoạch “treo” đang là vấn đề ưu tiên của Chính phủ, các cấp bộ, ngành và địa phương.

Tại Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã chỉ ra rằng, đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tình trạng đất nông nghiệp, đất dự án bị bỏ hoang còn nhiều.

Hàng nghìn tỷ chôn trong dự án “treo” (Ảnh: Nhiều dự án ven biển Quảng Trị "treo" nhiều năm/ Quang Thành)

Nghị quyết 18 xác định rõ yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang…; có chế tài cụ thể và đồng bộ để xử lý các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc chậm sử dụng; kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, nhất là tại các vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.

Tháng 7/2022, tại công văn số 4358 về việc khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” và “dự án treo”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.

Có thể thấy, thu hồi đất được xem là biện pháp tốt nhất để tránh lãng phí nguồn lực đất đai đối với các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích… Thời gian qua, nhiều địa phương đã công bố thu hồi hàng loạt dự án chậm tiến độ. 

Các địa phương vào cuộc “rã đông” dự án “treo” 

Mới đây, Hà Nội vừa công bố danh sách 27 dự án chậm triển khai bị thu hồi. Đáng chú ý, trong danh sách 27 dự án này có nhiều dự án nhà ở, khu đô thị với quy lớn đã được giao đất từ hơn chục năm trước.

Như tại huyện Thạch Thất có Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty CP An Lạc làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn của Công ty Xây dựng Trường Giang; Dự án biệt thự nhà vườn (huyện Thạch Thất) của Công ty CP Thương mại quốc tế Như Thành.

Tại huyện Mê Linh, các dự án chậm triển khai gồm: Khu đô thị mới Prime Group – Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh) của Công ty CP Prime Group; Dự án khu đô thị mới Vinalines (xã Đại Thịnh – Thanh Lâm – Tráng Việt) của Công ty CP Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc; Dự án khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại; Dự án khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm), Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư;

3 khu “đất vàng” nằm trong khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) chậm triển khai hơn 10 năm gây lãng phí tài nguyên đất đai (Ảnh: Hồng Khanh)

Ngoài ra, còn có Dự án Nam Đàn Plaza, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP Địa ốc Dầu khí Viễn thông; Dự án Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng, số 162 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chủ đầu tư là Hợp tác xã Công nghiệp Thăng Long;...

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng Nai cũng là một trong những địa phương mạnh tay thu hồi các dự án treo thời gian qua. Tháng 7 vừa qua, UBND huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thông báo huỷ 132 dự án với diện tích 341ha do quá trình thực hiện không phải thu hồi đất hoặc quá ba năm chưa triển khai thực hiện, sau khi rà soát tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn huyện có thu hồi đất giai đoạn 2015 - 2021.

Cũng trong tháng 7, UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã công bố danh mục sử dụng đất có 16 dự án thuộc xã Long Tân bị hủy quyết định thu hồi đất do quá 3 năm chủ đầu tư không tiến hành triển khai thu hồi đất và thực hiện dự án theo quy định.

Trong danh sách thu hồi, có nhiều dự án khu dân cư quy mô lớn. Có thể kể đến như Khu dân cư Long Tân 1 có diện tích 95ha; Khu dân cư thương mại kết hợp với thương mại dịch vụ cấp vùng 88ha do Công ty CP Lắp máy điện nước và Xây dựng làm chủ đầu tư.

Khu dân cư Long Tân 46ha chủ đầu tư là Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Khang Việt Hưng; Khu dân cư 34ha có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Sao Mai; Khu dân cư đô thị The Lake 35ha chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu 3L Sài Gòn; Khu dân cư 29ha do Công ty CP Khu công nghiệp Miền Nam thực hiện…

Tiếp đó, UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) thông báo, thời gian qua trên địa bàn huyện có 16 dự án khu dân cư, tái định cư bị hủy do quá thời hạn chưa triển khai thực hiện. Trong đó, có nhiều dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015-2018 như: Khu dân cư An Thuận giai đoạn 3, khu dân cư TT Long Thành, khu tái định cư trạm khuyến nông, khu tái định cư Long Đức, khu tái định cư Công ty Nhị Hiệp, khu nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp…

Sau quá trình rà soát nhiều địa phương cũng công bố thu hồi nhiều dự án như Vĩnh Phúc thu hồi, chấm dứt hoạt động 11 dự án nhà ở, khu đô thị, dịch vụ thương mại, sản xuất kinh doanh; Quảng Trị ra quyết định huỷ bỏ quy hoạch đối với 3 dự án Khu dịch vụ - du lịch Resort Cửa Tùng, dự án Khu khách sạn nghỉ dưỡng Ngân hàng Công Thương Việt Nam và Khu dịch vụ - du lịch tổng hợp Gio Hải 1 do chủ đầu tư không triển khai như cam kết, không có tính khả thi…

Xử lý dự án treo không làm thất thoát tài sản của Nhà nước

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, về lãng phí đất đai do dự án chậm tiến độ, dự án treo, trước đây có 28.155ha thì trong thời gian qua đã giải quyết được hơn 10.000ha, hiện nay còn 18.000ha.

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do vấn đề giải phóng mặt bằng. Thứ hai là do các quy hoạch đang thay đổi. Thứ ba là do các nhà đầu tư lựa chọn trước đây kém năng lực nên không đầu tư được. Thứ tư là trong quá trình triển khai, xử lý gặp vướng mắc về sự chồng chéo trong các quy định pháp luật; tại các dự án có xảy ra vi phạm pháp luật đã có kết luận của thanh tra, bản án có hiệu lực của tòa hoặc ý kiến của Ủy ban Kiểm tra…

Để giải quyết các dự án tồn tại do lịch sử để lại, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã lập một Đề án để tập trung xử lý tại 4 thành phố có khoảng 2.000 dự án chậm tiến độ, từ đó, sẽ đưa ra các phương án để xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết thời gian tới. Những vấn đề lớn sẽ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị giao cho các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý.

"Việc xử lý các dự án chậm tiến độ phải trên cơ sở phải bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của Nhà nước; không để lợi dụng hợp thức hóa những sai phạm; không làm ảnh hưởng đến người dân", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.