Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 3 năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Theo Tổng cục thống kê, trung bình trong 9 tháng năm 2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,3 triệu người (tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).
Tại tỉnh Nghệ An, đến cuối tháng 10 vừa qua, địa phương này đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 12,5 nghìn người, với số tiền chi trả hơn 189 tỷ đồng. Dự kiến số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do tác động của dịch lên thị trường lao động.
Có thể thấy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang phát huy hiệu quả, giá trị to lớn với người lao động trong thời gian gặp khó khăn, mất việc làm do dịch Covid-19; góp phần giúp hàng trăm nghìn người vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, góp phần ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động bị mất việc làm có cơ hội tìm kiếm, thích ứng với công việc mới.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, nên khi tỉnh Nghệ An trở lại trạng thái bình thường mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã phối hợp với các doanh nghiệp, trường dạy nghề tổ chức 22 phiên giao dịch, tuyển dụng lao động tại các huyện Đô Lương, Kỳ Sơn, Tương Dương.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã kết hợp ngày thông báo việc làm chung với ngày mở phiên giao dịch việc làm để tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm qua sàn giao dịch.
Ngoài ra trung tâm còn triển khai điểm tiếp nhận giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại huyện Diễn Châu và Anh Sơn về trung tâm giáo dục- giáo dục thường xuyên huyện. Việc này nhằm thực hiện tốt hơn công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động trên địa bàn. Đồng thời giúp người lao động thuận tiện hơn trong việc đi lại, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An cho hay, trong số lao động làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có khá nhiều lao động từ miền Nam trở về. Tuy nhiên, trong số các lao động mới về, chỉ khoảng 24% có trình độ chuyên môn, bằng sơ cấp nghề trở lên, còn lại là lao động phổ thông. Vì vậy nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có thể không đặt được mục tiêu đề ra.
Ông Phan Lam Giang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho hay, trung tâm cũng bố trí một cán bộ làm việc ngay tại phòng này, để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người thất nghiệp.
“Và nếu như họ có nhu cầu thì chúng tôi tiến hành đào tạo ngay, để giúp họ có việc làm, ổn định cuộc sống và mặt khác, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang rất khát lao động”, ông Giang nói.
Bà Phan Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đô Lương (Nghệ An) cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện có hơn 5.000 công dân từ các tỉnh phía Nam về, trong đó có một số lượng lớn là người trong độ tuổi lao động.
Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương bình và Xã hội cùng UBND các xã, huyện, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh để tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động nhằm mục đích để kết nối cung cầu giữa người lao đồng và các doanh nghiệp trên địa bàn.
“Đây chính là những cơ hội để người lao động tiếp cận được các doanh nghiệp, vị trí việc làm và qua đó lựa chọn được các công việc phù hợp, đảm bảo quyền lợi”, bà Thủy nói.
Ngoài trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu đặt ra của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là sớm đưa người lao động tái hòa nhập thị trường lao động bằng cách giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An luôn theo dõi việc thông báo tìm kiếm việc làm của người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ đó, đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 44.000 lượt lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới.
Bà Lê Thị Ngọc Thủy, Phụ trách Phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An chia sẻ: “Khi dịch bệnh được kiểm soát, để cho người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, sớm quay lại thị trường lao động, Trung tâm cũng có một số hoạt động để kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.
Thứ nhất chúng tôi chủ động khảo sát đối với các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp trong tỉnh để từ đó giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động. Đồng thời liên kết với các trường nghề, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh để đa dạng thêm ngành nghề, giúp người lao động có thêm cơ hội nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và sớm tìm được việc làm mới.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các vùng sâu vùng xa, các phiên giao dịch việc làm online để hỗ trợ người lao động có việc làm mới. Vào các ngày 10 và 25 hàng tháng, chúng tôi mời một số doanh nghiệp đến để tổ chức tập trung cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại sàn giao dịch việc làm của trung tâm”.
Hải Nguyên
Nỗ lực kết nối để tìm việc làm cho người lao động
Hàng loạt lao động trở về từ các khu công nghiệp khiến các trung tâm giới thiệu việc làm địa phương tại Gia Lai quá tải. Phần lớn trong số họ là lao động phổ thông cần việc làm luôn và không muốn học nghề.