Cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao 

Thời gian qua, thành phố Đồng Hới tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố Đồng Hới cho biết, hiện nay, dịch vụ hành chính công trực tuyến được thành phố cung cấp theo 4 mức độ. Đây là mức hoàn chỉnh nhất của dịch vụ hành chính công trực tuyến bởi ở mức độ 4, người dùng được cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh mà không cần đến trực tiếp cơ quan, tổ chức, vừa giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian, lại tránh được tệ nạn, đồng thời giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, khoa học hơn. 

Chính vì thế, thời gian qua, Đồng Hới đã đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhằm hướng tới phát triển thành phố điện tử, thành phố số; đồng thời nâng cao hiệu quả cũng như tính công khai minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước. 

Theo thống kê, tới thời điểm này, tổng hồ sơ TTHC thành phố phải giải quyết là 13.129 hồ sơ, đã giải quyết 11.762 hồ sơ và đang giải quyết 1.367 hồ sơ; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến 6.307/6.875 hồ sơ, đạt tỷ lệ 91,74%; số hóa hồ sơ được 8.931/11.698 hồ sơ, đạt tỷ lệ 76,34%; thanh toán trực tuyến được 573/1.735 hồ sơ, đạt tỷ lệ 33,02%.

W-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-1.jpg
Phấn đấu đến ngày 30/6/2024, thành phố Đồng Hới có hơn 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người buôn bán nhỏ lẻ, người cung ứng dịch vụ hàng hóa có điểm chấp nhận thanh toán QR Code. 

Phủ sóng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai trường học không dùng tiền mặt 

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế tất yếu, bởi nhiều tiện ích rõ rệt cho cả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Nhà nước và của tỉnh về phát triển không dùng tiền mặt, UBND thành phố Đồng Hới đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình xây dựng kế hoạch "Triển khai phủ sóng thanh toán QR Code trên toàn thành phố Đồng Hới”.

Mục tiêu của kế hoạch là đến ngày 30/6/2024, thành phố có hơn 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người buôn bán nhỏ lẻ, người cung ứng dịch vụ hàng hóa có điểm chấp nhận thanh toán QR Code; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán, tăng số điểm chấp nhận thanh toán QR Code lên trên 12.000 điểm; tốc độ tăng trưởng về số lượng, giá trị giao dịch thanh toán QR Code trên 40%/năm.

Đi đầu trong hoạt động này phải kể đến ngành Giáo dục của thành phố.

Năm 2023, giáo dục Đồng Hới là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai trường học không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục. 

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Hới, hiện nay, giáo dục Đồng Hới có 63 cơ sở giáo dục trực thuộc. Trong đó, có 25 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 15 trường THCS, 2 trường tiểu học và THCS và 1 Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật với 32.061 học sinh.

Năm 2023, ngành giáo dục Đồng Hới được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai trường học không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục. 

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Hới cho biết, việc ứng dụng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục trực thuộc phù hợp với chủ trương chuyển đổi số hiện nay của tỉnh, thành phố.

Thực hiện Kế hoạch số 892/KH-UBND ngày 25/5/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thu học phí trong trường học, cơ sở giáo dục,…., để triển khai áp dụng có hiệu quả hoạt động này, trước khi chuẩn bị bước vào năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã rà soát, lựa chọn và lập danh sách triển khai thí điểm đối với 32 trường của các cấp học mầm non, tiểu học và THCS. 

Kết quả, đến cuối năm học 2022-2023 đã có 30 trường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng SISAP với hơn 43.000 giao dịch, đạt tỷ lệ 93,75% kế hoạch đề ra; tổng số tiền thanh toán đạt hơn 16 tỷ đồng. 

Mặc dù số lượng giao dịch, tổng số tiền thanh toán chưa đạt yêu cầu đề ra do một số trường thực hiện chưa triệt để và chưa đầy đủ đối với tất cả các khoản thu, tuy nhiên, với kết quả bước đầu như trên đã đem lại tín hiệu khả quan để ngành Giáo dục thành phố tiếp tục duy trì đối với các trường đã thực hiện và triển khai áp dụng đối với các trường còn lại trong năm học 2023-2024.

Phan Hồng Nhung, Nguyễn Hoàng Hà