Xác định công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tiền Giang đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hướng tới xây dựng chính quyền số nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Chiều 10/8, UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Tập đoàn Viettel) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2028.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, mục tiêu hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương; trong đó, quan tâm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số và xã hội số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng và nâng cao sự hài lòng của người dân cũng như doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel
ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số.

Việc hợp tác sẽ góp phần phát huy thế mạnh, khả năng, nguồn lực của Tập đoàn Viettel, tiến tới triển khai nhanh việc hợp tác, tư vấn phát triển chính quyền số, chuyển đổi số trong các ngành và các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, ứng dụng số gắn với đảm bảo an toàn thông tin, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp và địa phương theo hướng nhanh, bền vững, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên tập trung vào một số nội dung như: Đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số; đầu tư kiện toàn hạ tầng viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số; đưa ra các giải pháp đồng bộ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số,…

Chuyển đổi số luôn được tỉnh Tiền Giang quan tâm.

Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định, sẽ sử dụng nguồn nhân lực tốt nhất trong phạm vi cho phép để tư vấn, hỗ trợ và hợp tác đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số với tỉnh Tiền Giang; tư vấn, giới thiệu, triển khai các công nghệ, thành tựu mới nhất trên lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin vào thực hiện chính quyền số, chuyển đổi số và trên các lĩnh vực trọng tâm như: nông nghiệp, du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, an sinh xã hội…

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đã ký kết, UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Viettel thống nhất giao Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang và Viettel Tiền Giang làm đầu mối phối hợp triển khai thực hiện đạt kết quả cho giai đoạn 2023 – 2028.

Trước đó, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tỉnh Tiền Giang đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tăng cường đẩy mạnh các chỉ tiêu về công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tạo nền tảng vững chắc để người dân được thụ hưởng thành quả của công cuộc chuyển đổi số, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trần Văn Dũng cho biết, đẩy mạnh các chỉ tiêu về công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tích cực. Qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được người dân đánh giá cao.

“Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành gắn với cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp: 100% các văn bản, tài liệu không mật trình Ủy ban nhân dân tỉnh dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng văn bản giấy); 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy). 100% cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước được cấp và sử dụng hộp thư điện tử trong công việc. 100% hồ sơ khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp nộp qua mạng ở mức độ 4”, ông Trần Văn Dũng chia sẻ.

Tỉnh Tiền Giang đã đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử gồm 1 cổng chính, 201 cổng thành phần (18 sở, ban, ngành tỉnh; 11 Ủy ban nhân dân cấp huyện; 172 Ủy ban nhân dân cấp xã) và có các cổng của cơ quan ngành dọc, đoàn thể và trường học tạo kênh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, thực hiện các nhu cầu về thủ tục hành chính được thuận lợi.

Trên các cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đều có liên kết đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, cổng dịch vụ công của tỉnh có chức năng thống kê kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cho phép người dân, doanh nghiệp tra cứu tình trạng và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến.

Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị cung cấp tương đối đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính của đơn vị mình, đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin và giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, người dân và doanh nghiệp. 

Việc cung cấp thông tin, các chuyên mục trên trang thông tin điện tử của các đơn vị cơ bản đáp ứng theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ.

Văn Dương và nhóm PV, BTV