- "Nạn tham nhũng vặt hiện nay, khi đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi địa phương và khắp các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng" - ĐB tỉnh Bạc Liêu bức xúc.

Tại phiên thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và phòng chống tham nhũng sáng nay, Chánh VP Đảng uỷ, VPQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho biết, nhân dân và cử tri cả nước rất tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm hiện nay.

Trong đó ấn tượng đặc biệt với những phát biểu làm nức lòng cử tri và nhân dân cả nước của Tổng bí thư như “lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.

“Củi nhỏ, củi vừa phải cháy trước”

Ông Hạ bày tỏ sự bức xúc với nạn tham nhũng vặt hiện nay, khi đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi địa phương và khắp các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng.

{keywords}
ĐB Tạ Văn Hạ bức xúc về tình trạng tham nhũng vặt. Ảnh: Minh Đạt

ĐB tỉnh Bạc Liêu nêu thực tế, ngoài đường, người vi phạm giao thông được “thông cảm” bỏ qua khi thoả thuận nộp phạt không lấy hoá đơn; trong nhà trường việc lạm thu, chạy lớp, đổi phong bì, thậm chí đổi tình để lấy điểm vẫn còn; tại BV thì lo lót tay để được điều trị cho người nhà tốt hơn.

“Trong cơ quan nhà nước, thủ tục còn nhiêu khê, phiền hà. Chuyện hồ sơ, thủ tục làm xong bị trả về, làm lại nhiều lần nhưng không được hướng dẫn kỹ lưỡng, muốn nhanh, muốn thuận lợi phải có bồi dưỡng, thậm chí đến khai tử cũng phải có phong bì”, vị ĐB đoàn Bạc Liêu dẫn dụ.

Ông cảnh báo nạn tham nhũng vặt đang làm băng hoại phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức gây nhiều bức xúc trong xã hội, làm mất dần niềm tin trong nhân dân. “Con tàu có thể đắm vì nhiều lỗ dò nhỏ”.

“Lò đã nóng thì củi khô, củi nhỏ, củi vừa phải cháy trước”, ĐB Hạ nhấn mạnh.

Từ thực tế nêu trên, ông Hạ kiến nghị, ngoài những giải pháp mà Chính phủ nêu ra thì cần tạo môi trường để ở đó cán bộ không còn cơ hội tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Cụ thể, hoàn thiện pháp luật, tăng cường công khai minh bạch, xoá bỏ thủ tục hành chính không cần thiết; Tăng giám sát và xử lý nghiêm, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém, tham nhũng, sách nhiễu dân; Tinh gọn bộ máy, có chế độ thoả đáng và cơ hội phát triển bình đẳng cho công chức, viên chức.

Phải lót tay, bôi trơn cho hệ thống tư pháp?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu thực trạng lót tay ở mức cao hơn, đó là trong hệ thống tư pháp gồm các ngành toà án, viện kiểm sát, công an.

Ông Nghĩa cho biết, đa số cử tri khi đến các cơ quan tư pháp không hài lòng khi hiện tượng lót tay, chung chi tương đối phổ biến.

Ông cũng nhấn mạnh, sự chậm trễ trong bộ máy tư pháp hiện nay “là một điều khủng khiếp đối với người dân”.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu thực trạng lót tay trong hệ thống tư pháp. Ảnh: Minh Đạt

“Có những vụ án đơn giản cũng phải kéo dài, nhiều đơn từ, giấy phép. Có những lúc người ta biết lãnh đạo đã ký nhưng mấy tuần vẫn chưa đến được dân. Điều này đòi người dân phải chạy, phải bôi trơn, phải lót tay, thông qua "cò" hoặc nhân viên nào đó thì nó lại chạy”, ĐB Nghĩa gay gắt.

ĐB cho rằng, có sự chậm trễ vì ở ta không coi đó là khuyết điểm. “Cái này rất sai, là lực cản đối với đất nước, các quốc gia khác họ không vậy”, ĐB đề nghị ngành tư pháp phải chấn chỉnh.

“Chúng ta hay nói anh em quá tải, nhưng tôi cho rằng thật ra do kỷ luật lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, vì chậm trễ quá, cái việc đúng rồi hành người ta vẫn phải chạy chọt, phải lót tay... mà người ta thấy chạy chọt, lót tay thì lại chạy nhanh hơn”, ĐB nói thêm.

ĐB TP.HCM đề nghị QH phải có nghị quyết để chấn chính những tồn tại trên của ngành tư pháp để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và kỷ luật công vụ.

Giơ biển tranh luận, ĐB Mai Khanh, Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình cho biết, ông không đồng tình với ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa.

Theo ĐB Khanh, phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, mấy chục nghìn cán bộ, công chức ngành toà án, công an, VKS đang theo dõi. Do đó việc “bôi đen” phải thận trọng hơn.

“Tôi phản đối với quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa và tôi cho rằng ĐB nói như thế là còn thiếu cơ sở vững chắc và chưa có căn cứ để khẳng định mang tính phổ biến ở nước ta”, ông Khanh nói.

ĐB đặt câu hỏi: “Trong 500.000 vụ mà ngành toà án xét xử hàng năm và hàng trăm nghìn vụ án được khởi tố, truy tố hàng năm, tôi đặt câu hỏi tiêu cực, vi phạm chiếm tỷ lệ bao nhiêu?”

Ông Khanh cho rằng, "ngành nào cũng cần có cái nhìn cầu thị, tuy nhiên phải đánh giá đúng mức những kết quả đạt được", nhất là khi chúng ta vẫn đang ở trong bước phát triển, sự hoàn thiện cần thời gian.

Mong Chính phủ trị nạn lót tay, bôi trơn

Mong Chính phủ trị nạn lót tay, bôi trơn

Đề nghị Chính phủ ra tay cùng cộng đồng DN trị nạn lót tay, bôi trơn, nếu không căn bệnh này sẽ làm hủy hoại đạo đức phát triển DN.

Sửng sốt quà khủng, độc "lót tay" quan chức

Sửng sốt quà khủng, độc "lót tay" quan chức

Có không ít vụ án hình sự về hành vi tham nhũng khi được đưa ra xét xử, nhiều người mới sửng sốt trước những món quà khủng mà người ta hối lộ quan chức.

Điều tra lời khai 'lót tay' 1,5 triệu đô của Dương Chí Dũng không khó?

Điều tra lời khai 'lót tay' 1,5 triệu đô của Dương Chí Dũng không khó?

Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Trần Đình Triển cho rằng: Việc điều tra lời khai của Dương Chí Dũng về khoản tiền “lót tay” 1.510.000 USD của Dương Chí Dũng không hề khó...

Nhận ‘lót tay’ tiền tỷ, quan huyện bị đề nghị từ 27 – 30 năm tù

Nhận ‘lót tay’ tiền tỷ, quan huyện bị đề nghị từ 27 – 30 năm tù

 Chiều 23/8, sau 4 ngày xét xử, VKSND TP.HCM đã đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án tham nhũng nghiêm trọng xảy ra tại huyện Hóc Môn (TP.HCM).

Thúy Hạnh