Chuyển đổi số phải song hành cùng điện toán đám mây 

Chia sẻ trong buổi tiếp xúc với báo giới Việt Nam mới đây, bà Kimberly Dickson, Kiến trúc sư bảo mật cấp cao tại Amazon Web Services (AWS), cho biết điện toán đám mây là lựa chọn tối ưu để tăng tốc chuyển đổi số. 

Theo bà Kimberly Dickson, tầm quan trọng của điện toán đám mây đã được thể hiện rất rõ trong đại dịch Covid-19. Ví dụ điển hình là sự kết hợp giữa dịch vụ điện toán đám mây của AWS và Zoom đã giúp nền tảng họp trực tuyến này mở rộng quy mô từ 10 triệu lên thành 300 triệu người sử dụng. 

Tại Việt Nam, một khách hàng khác của AWS cũng đã có những kết quả hoạt động ấn tượng trong đại dịch Covid-19 nhờ điện toán đám mây. 

Cụ thể, Khoa tiếng Anh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển hệ thống quản lý, đào tạo lên đám mây, nhờ vậy, mang đến trải nghiệm học chất lượng cao cho hàng nghìn sinh viên.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ứng dụng trên đám mây của trường đại học này có thể mở rộng để cung cấp việc học trực tuyến cho khoảng 5.000 sinh viên với 161 lớp học.

aws-data-center.jpg
Một trung tâm dữ liệu của AWS. 

Trong thời điểm kinh tế bất ổn như hiện nay, công nghệ đám mây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giá trị cốt lõi của các dịch vụ điện toán đám mây là giúp giảm chi phí. So với việc phải tự đầu tư cho CNTT và làm hết từ đầu, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng dịch vụ điện toán đám mây chỉ cần trả khoản chi phí theo nhu cầu sử dụng thực tế.  

Điện toán đám mây thực sự là lựa chọn tối ưu khi chúng ta tăng tốc quá trình chuyển đổi số. Nền kinh tế số Việt Nam với sự hỗ trợ của điện toán đám mây có thể đạt quy mô 57 tỷ USD”, chuyên gia của AWS nhận định. 

Người dùng điện toán đám mây ngày càng khó tính

Cùng với sự phát triển và phổ biến của điện toán đám mây thời gian qua, các doanh nghiệp, tổ chức, người sử dụng điện toán đám mây ngày càng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề an ninh bảo mật của dịch vụ này. 

Để tăng tốc chuyển đổi số nhưng vẫn đảm bảo an toàn, khả năng giám sát, kiểm soát các mối đe dọa bảo mật khi sử dụng điện toán đám mây là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh đó, rất cần đến quy trình an ninh mạng hợp lý cùng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. 

Doanh nghiệp, tổ chức cần có chiến lược bảo mật phù hợp, vừa đảm bảo cho sự sáng tạo và tăng trưởng, lại vừa phải đáp ứng được các quy trình bảo mật. Trong đó, bảo vệ dữ liệu của công ty phải là ưu tiên hàng đầu. 

Bằng cách đảm bảo dữ liệu được an toàn thông qua xác thực đa yếu tố, các công ty ở Việt Nam có thể thực hiện những bước đầu tiên trong việc tăng cường bảo mật cho chính mình”, bà Kimberly Dickson cho hay.

kimberly-dickson.jpg
Chuyên gia bảo mật cấp cao Kimberly Dickson. 

Theo chuyên gia của AWS, có 3 xu hướng chính khi nhắc tới vấn đề bảo mật của các dịch vụ điện toán đám mây. Đầu tiên, khách hàng ngày nay có yêu cầu rất cao thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bảo mật, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ an ninh bảo mật mới nhất. 

Đề bài được đặt ra cho các doanh nghiệp điện toán đám mây còn bao gồm việc tối ưu hóa đầu tư cho bảo mật. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hậu đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp có mong muốn sử dụng các dịch vụ bảo mật chi phí thấp, thậm chí miễn phí. Đơn vị cung cấp giải pháp điện toán đám mây cũng phải có khả năng áp dụng các tiêu chuẩn theo lựa chọn của khách hàng. 

Cuối cùng, do đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo mật, các công ty, tổ chức sử dụng dịch vụ điện toán mây muốn nhà cung cấp phải giúp họ có năng lực bảo mật cao hơn. Điều này được thể hiện thông qua việc mở rộng mạng lưới đào tạo kỹ năng sử dụng đám mây, trong đó có kỹ năng về an ninh bảo mật.

Vân Anh và nhóm PV, BTV