Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH đã quán triệt quan điểm trong công tác PCCC và CNCH: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển KT-XH.

w ky nang pccc 2 copy 1 549.jpeg
Học sinh Hà Nội được hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa. Ảnh: Đình Hiếu

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ. Với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn.

Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác PCCC và CNCH.

Thực hiện nghiêm túc phương châm ‘4 tại chỗ’: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành.

Kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Để đáp ứng yêu cầu trên, lực lượng chức năng của thành phố phải thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia.

Tăng cường công tác huấn luyện về nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC chuyên ngành, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ”.

pccc ha noi.jpeg
Mô hình điểm chữa cháy công cộng đang được nhân rộng tại Hà Nội.

UBND TP Hà Nội cho biết, tính đến tháng 8/2023, cả 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập hơn 5.000 Đội dân phòng tại thôn, tổ dân phố; 100% đội viên đội dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định.

Tính đến đầu tháng 8/2023, trên địa bàn TP Hà Nội đã thành lập, duy trì hoạt động 7.223 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng, lắp đặt 18.201 điểm chữa cháy công cộng. Công an các quận, huyện, thị xã đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các Tổ liên gia trên địa bàn 579 phường, xã, thị trấn.

Đặc biệt, kể từ khi triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng, riêng trong 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7), đã có hơn 40 vụ việc được người dân sử dụng phương tiện tại điểm chữa cháy công cộng, Tổ liên gia dập tắt đám cháy…