“Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản và rõ ràng - hệ thống hiện tại đã không thể bảo vệ chúng ta khỏi đại dịch Covid-19. Nếu chúng ta không hành động để thay đổi nó ngay bây giờ, nó sẽ không bảo vệ chúng ta khỏi mối đe dọa đại dịch tiếp theo, vốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf bày tỏ.

Cùng với cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, bà Sirleaf là đồng chủ tịch của một hội đồng gồm 13 chuyên gia do lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ủy thác tìm ra cách dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu như thế nào.

Thành viên của nhóm bao gồm các cựu lãnh đạo, nhà ngoại giao và người đứng đầu tổ chức cứu trợ từ những quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ảrập Xê-út và Ấn Độ.

{keywords}
Cơn địa chấn Covid-19 tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Sau 8 tháng đánh giá, Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch đã công bố báo cáo, đưa ra các khuyến nghị với lời kêu gọi thiết lập một cơ chế tài trợ hàng tỷ USD để chuẩn bị, ứng phó với đại dịch cũng như một hội đồng thường trực gồm các nhà lãnh đạo thế giới tập trung vào các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu và một hiệp ước chống đại dịch.

Ủy ban muốn có một hệ thống mới, minh bạch để phát hiện và giám sát các đợt bùng phát dịch bệnh trên khắp thế giới, bên cạnh việc tăng cường ngân sách và sức mạnh của WHO. Họ cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới nên cam kết thực hiện những cải cách này tại một hội nghị thượng đỉnh của LHQ trong thời gian 4 tháng.

"Chúng tôi nghĩ các biện pháp nửa vời sẽ không hiệu quả nếu thế giới muốn ngăn chặn được một thảm họa khác như Covid-19", bà Clark nói.

Theo Ủy ban, sự chậm trễ và bất hòa, các hệ thống lỗi thời và sự thiếu chuẩn bị đã cản trở những nỗ lực ứng phó với virus corona chủng mới trên toàn thế giới. Báo cáo cùng các tài liệu kèm theo dày hàng trăm trang nêu rõ những sai lầm đã xảy ra, những ai bị ảnh hưởng và điều gì cần thực hiện tiếp theo.

Báo cáo nhấn mạnh, chủ nghĩa dân tộc quốc gia cùng những căng thẳng giữa các nước, chẳng hạn như Mỹ và Trung Quốc đã ngăn cản sự hợp tác quốc tế ra sao trong ứng phó với đại dịch. Báo cáo cũng lưu ý “một tháng bị bỏ lỡ" hồi tháng 2 khi các quốc gia trên thế giới không hành động, mặc dù được tiếp cận những thông tin về các bệnh viện quá tải và những cái chết hàng loạt ở các tâm dịch lúc ban đầu.

Tuy nhiên, nhóm soạn thảo không tập trung đổ lỗi cho các nước cụ thể, mà chú trọng vào các hệ thống tổng thể và nhu cầu cải cách các quy tắc quốc tế về dịch bùng phát và quyền hạn của WHO để điều tra chúng.

Chuyện đã xảy ra ở Vũ Hán

Với Covid-19, cuộc sát hạch đầu tiên đối với các quy tắc nói trên là ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi virus được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019.

Những người chỉ trích, bao gồm cả Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump tuyên bố, WHO đã sai lầm khi tin tưởng thông tin từ Trung Quốc, nước bị cáo buộc không minh bạch về những gì đang xảy ra ở Vũ Hán vào thời điểm ấy. Điều đó bao gồm cả khoảng cách 3 tuần giữa thông báo chính thức về một căn bệnh viêm phổi bí ẩn và tuyên bố xác nhận mầm bệnh có thể lây lan từ người sang người.

{keywords}
Ảnh: FT

Ủy ban cho biết, “thông tin về các ca bệnh và đặc điểm của chúng không công khai đủ nhanh” trong những ngày đầu của dịch bệnh. “Bằng chứng do Ủy ban thu thập được ám chỉ, cần phải xúc tiến hành động để đảm bảo phản ứng sớm nhanh chóng và hiệu quả hơn trong tương lai", trích một tài liệu đính kèm báo cáo. 

Mặc dù WHO đã cảnh báo khả năng virus lây truyền từ người sang người trước khi Trung Quốc xác nhận, nhưng Ủy ban nhận thấy tổ chức y tế lớn nhất hành tinh đáng lẽ có thể khuyến cáo các quốc gia về nguy cơ đó.

Ủy ban cũng tin, tình hình thực tế có thể đã đáp ứng đủ các tiêu chí cần thiết cho việc xác định “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế” vào ngày 22/1, tức là 8 ngày trước khi ông Tedros đưa ra tuyên bố chính thức.

“Sự xuất hiện của Covid-19 đặc trưng bởi sự kết hợp của một số hành động sớm và nhanh chóng, nhưng cũng có cả sự chậm trễ, do dự và chối bỏ, với kết quả là một vụ bùng phát bệnh trở thành dịch và dịch lây lan tới mức độ đại dịch", trích báo cáo.

Để tránh những vấn đề trên ở giai đoạn đầu, then chốt của đại dịch tiếp theo sẽ đòi hỏi việc thiết kế lại các hệ thống giám sát và cảnh báo, bao gồm cả việc tái khởi động công nghệ cao để xác định các đợt bùng phát "dựa trên sự minh bạch đầy đủ của tất cả các bên".

Điều này cũng đòi hỏi nhiều sự tiếp cận và quyền hạn hơn cho WHO, việc các quốc gia không sẵn lòng chấp thuận vào lần gần đây nhất các quy tắc toàn cầu được sửa đổi, sau sự bùng phát của dịch SARS vào giai đoạn 2002- 2003.

Ủy ban kêu gọi trao quyền cho cơ quan phụ trách y tế của LHQ để điều tra các tác nhân gây bệnh có nguy cơ gây đại dịch ở tất cả các quốc gia trong thời gian ngắn, với thị thực thường trú, nhiều lần nhập cảnh cho các chuyên gia quốc tế.

Các biện pháp được đề xuất hoàn toàn trái ngược với phản ứng của WHO trước Covid-19. Cơ quan đã mất nhiều tháng để đặt nền móng cho một nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán điều tra nguồn gốc của đại dịch. Các chuyên gia của WHO đã bị Bắc Kinh kiểm duyệt, không cho nhập cảnh vào phút chót, trước khi họ cuối cùng cũng được phép trải qua 4 tuần ở Vũ Hán, hơn một năm sau khi dịch bùng phát. Một nhóm chuyên gia trước đó đã đến Trung Quốc vào tháng 2, giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành trong thành phố, nhưng với sứ mệnh giới hạn.

“Sự nhạy cảm về chủ quyền chắc chắn không nên trì hoãn việc cảnh báo thế giới về mối đe dọa của một mầm bệnh mới, có khả năng gây đại dịch", bà Clark quả quyết tại một cuộc họp báo về báo cáo của hội đồng chuyên gia.

Sụp đổ toàn cầu

Ủy ban độc lập nhận thấy, hầu hết các quốc gia không kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ngay lập tức, bất chấp tuyên bố của WHO và bằng chứng cho thấy mầm bệnh chết người đang lây lan.

Ủy ban đề xuất, để tránh những chậm trễ tương tự trong tương lai, các nước phải tăng cường những kế hoạch dự phòng quốc gia, thực hiện xem xét đối chiếu thường xuyên và nhận chỉ dẫn rõ ràng hơn từ WHO. Các chuyên gia còn đề xuất hệ thống quốc tế mở rộng vượt ra ngoài khuôn khổ các quốc gia và WHO.

"Chủ nghĩa đa phương đã tồn tại trong một không gian tồi tệ suốt nhiều năm và điều đó đã làm suy yếu các thể chế và đồng nghĩa, ngay cả những việc như chống lại đại dịch cũng có thể trở nên rất phân cực", cựu Thủ tướng New Zealand giải thích.

Một giải pháp được khuyến nghị là thành lập một hội đồng chuyên trách các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu gồm 18 thành viên.

Không giống các cơ quan hiện có về ứng phó đại dịch, hội đồng này sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo quốc gia hoặc chính phủ đương nhiệm, với ngân sách từ 5 - 10 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước sẵn sàng xử lý các ổ dịch hoặc ứng phó với chúng, cùng khả năng giải ngân từ 50 - 100 tỷ USD nếu đại dịch được công bố. Số tiền này sẽ lấy từ đóng góp của các quốc gia cho một cơ sở tài chính chuyên biệt.

Khủng hoảng vắc-xin

Ủy ban cũng đề xuất một nền tảng “đầu - cuối” lâu dài, được tài trợ tốt cho vắc-xin, các bộ xét nghiệm và thuốc điều trị để giải quyết những bất bình đẳng về khả năng tiếp cận vắc-xin mà các chuyên gia tin sẽ kéo dài đại dịch Covid-19.

{keywords}
Ảnh: PTI

Tuy nhiên, trước mắt, Ủy ban đang kêu gọi WHO và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) triệu tập ngay các nhà bào chế vắc-xin lớn và thuyết phục họ chia sẻ công nghệ vắc-xin Covid-19 với các nhà sản xuất khác.

“Nếu các hành động không được thực thi trong vòng 3 tháng, việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ (IP) vắc-xin cần có hiệu lực ngay lập tức", trích kiến nghị của ủy ban.

Mark Dybul, một thành viên Ủy ban đã lên tiếng hoan nghênh việc Mỹ công khai ủng hộ đề xuất từ bỏ bảo hộ IP với vắc-xin ngừa virus corona chủng mới, đồng thời chỉ ra “các thông điệp thống nhất trên toàn thế giới”, phù hợp với tầm nhìn của ủy ban về hành động tập thể.

"Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sâu, rộng đến mức các tổng thống, thủ tướng cũng như lãnh đạo các cơ quan quốc tế và khu vực hiện phải khẩn trương nhận trách nhiệm để thay đổi cách thức thế giới chuẩn bị, ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Nhiều nhà vô địch trong lĩnh vực y tế và chính trị toàn cầu ủng hộ quan điểm của chúng tôi", cựu lãnh đạo Quỹ toàn cầu chống AIDAS cho biết.

Quỳnh Anh (Theo SCMP)

Buộc các công ty dược chia sẻ sáng chế vắc-xin: Ý tưởng xa vời

Buộc các công ty dược chia sẻ sáng chế vắc-xin: Ý tưởng xa vời

Những nước phát triển dẫn đầu trong sản xuất vắc-xin chịu áp lực nặng nề về việc buộc công ty dược phẩm tư nhân chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để tăng nguồn cung toàn cầu.