Ông Trần Văn Hai, thôn Tân Tiến, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông đã đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tại huyện Tam Đảo nơi ông Hai sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chỉ còn khoảng 0,76% số hộ trong toàn huyện, cận nghèo là 3,57%, giảm mạnh so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/năm, tăng gần 19 lần so với năm 2004.

Từ năm 2023 đến nay, khoảng 3.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách tại huyện miền núi này được vay vốn sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm với dư nợ hàng trăm tỷ đồng. 

Xác định đào tạo, trao sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập là điểm quan trọng trong tiến trình giảm nghèo đa chiều, bền vững, Vĩnh Phúc tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. 

vinh phuc 951.jpg
Vĩnh Phúc đẩy mạnh các hoạt động thể hiện sự quan tâm, chăm lo vì người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có hơn 248.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, doanh số cho vay đạt trên 8.830 tỷ đồng.

Nguồn vốn đã giúp hơn 26.600 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 64.000 lao động; 3.426 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…, đóng góp tích cực vào giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn 2.094 hộ nghèo đa chiều, chiếm 0,61% tổng số hộ dân trên toàn tỉnh, giảm 0,38% so với cuối năm 2022. "Nghèo đa chiều" là khái niệm tiếp cận mới nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các chiều cạnh khác (như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin).

Tất cả 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Tại tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng này, 4 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5% là thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, thành phố Vĩnh Yên và huyện Tam Dương. 

Vĩnh Phúc xác định có tới 65,3% tổng số hộ nghèo trong toàn tỉnh không có khả năng thoát nghèo, nghĩa là không còn khả năng lao động (tương đương 1.370 hộ). Năm 2024, Vĩnh Phúc phấn đấu giảm khoảng 400 - 500 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,48%.

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ giảm nghèo đã vượt trước 3 năm so với mục tiêu đặt ra về giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Vĩnh Phúc là dưới 1%.

Ông Lưu Văn Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành quan tâm. Theo ông Dũng, hiện cơ chế chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc về giảm nghèo đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn của tỉnh. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo của tỉnh cao hơn so với quy định của Trung ương, điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với hộ nghèo, người nghèo.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, nhờ đó đã mở rộng độ tuổi thụ hưởng chính sách, góp phần tích cực hỗ trợ người cao tuổi nghèo, cận nghèo không có lương hưu và các trợ cấp khác được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo và đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình, đề án trên địa bàn tỉnh; gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm và triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ người nghèo.

Tỉnh cũng tích cực chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp với phương châm trao cho người nghèo “cần câu” để họ tự vươn lên thoát nghèo bền vững... Trong năm, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đã tổ chức 60 lớp tập huấn, tuyên truyền về các chính sách, quy định và nội dung hỗ trợ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cho 6.000 hộ nông dân, trong đó có 2.316 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại 60 xã, phường, thị trấn.

Như tại huyện Tam Đảo, để đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,48% vào cuối năm 2024 (hiện là 0,76%), huyện xác định cần tiếp tục hỗ trợ dạy nghề cho 100% lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo khi có nhu cầu học nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nghèo.

Mục tiêu 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất, kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hay tiếp cận các chương trình dự án đã được huyện đưa ra và quyết tâm thực hiện. Ngoài ra, huyện phấn đấu đảm bảo 100% học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định; 100% người nghèo, người cận nghèo được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế khi có phát sinh nhân khẩu, phát sinh mới.