Kéo dài tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Một quy định gây tê liệt
Một lần đầu năm 1999, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá được phân công báo cáo về dự thảo Luật Doanh nghiệp trong một cuộc họp của Đảng. Dự thảo này được đặc biệt chú ý với mong muốn thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước lúc đó vẫn èo uột, không lớn nổi dù đã có hai luật điều chỉnh là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân ban hành trước đó hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, những luồng quan điểm về dự thảo mở đường cho khu vực tư nhân trong nước va chạm đôm đốp trên thượng tầng.
Trong cuộc họp, ông Giá trình bày hàng loạt các luận điểm nổi bật. Đến quy định doanh nghiệp đươc thành lập mà không cần vốn pháp định, ông Mai Thúc Lân, Phó Chủ tịch Quốc hội ngắt lời: “Tôi không hiểu anh Giá học hành ở đâu ra mà lại quy định kinh doanh không cần vốn”. Nhận xét với giọng rất nặng nề của ông Lân làm cho cuộc họp xôn xao.
Giờ giải lao, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói với ông Giá: “Sao em dại dột thế? Em bỏ quy định đó đi không người ta mắng cho đấy”. Ông Giá đáp: “Chị chưa biết ngọn nguồn đâu, để lát em nói”.
Vào cuộc họp, ông Giá mới chậm rãi kể lại câu chuyện từng diễn ra 10 năm trước. Số là hai luật Công ty và Doanh nghiệp Tư nhân có yêu cầu vốn pháp định. Năm 1990, Bộ trưởng Tài chính Hoàng Quy chịu trách nhiệm ban hành nghị định, nhưng mãi không xây dựng xong dự thảo để cụ thể hóa quy định này trong luật. Bí quá, ông Quy gọi điện cho ông Giá, lúc đó là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Ông ơi, tôi và nhiều chuyên gia, chuyên viên của Bộ không biết làm thế nào nên tôi nhờ ông chủ trì, tôi sẽ mang quân sang để thảo luận về quy định này”.
Đến cuộc họp, ông Quy đề nghị ông Giá nêu con số cụ thể về vốn pháp định để đưa vào hai nghị định. Ông Giá kể lại, vì lúc đó ông chưa kinh doanh bao giờ và cũng chưa có kinh nghiệm nên ông bấm bấm ngón tay rồi nói: “Công ty trách nhiệm hữu hạn có 7 thành viên, vị chi bảy bảy là bốn chín. Thôi, ta quy định vốn pháp định là 50 triệu đồng, trong đó có 1 thành viên góp 8 triệu”. Ông Quy và đoàn chuyên gia rất vui vẻ tiếp thu.
Thật đáng tiếc, quy định được nêu ra trong hoàn cảnh thật ngẫu hứng và có phần tùy tiện như kể trên đã hạn chế, thậm chí triệt tiêu động lực của biết bao nhiêu người dân muốn thành lập doanh nghiệp trong khi trao cho các cơ quan nhà nước cơ hội để hạch sách. Suốt cả 10 năm sau đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký chỉ vài trăm, vài nghìn mỗi năm. Bên cạnh đó, nó chỉ là một thủ tục gây phiền hà cho dân vì sau khi nộp tiền vào thì tiền của ai lại về túi người ấy.
Sau khi ông Giá kể câu chuyện đó, thì nhiều người trong cuộc họp của Đảng đã hiểu ra, đồng tình và ông bảo vệ được việc bỏ quy định vốn pháp định ra khỏi Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua năm 1999.
Ông Giá nói sau này, những kinh nghiệm xương máu của ông từ hai cuộc cải cách giá lương tiền thất bại những năm đầu thập kỷ 80 mà ông trực tiếp tham gia, đã giúp ông có một cách nhìn sâu rộng về phân định vai trò giữa Nhà nước và thị trường. Ông đã dám thẳng thắn nhìn vào sự thật và hạn chế của cá nhận mình để bảo vệ cho quyền kinh doanh của người dân dù gặp nhiều sức ép vô cùng lớn. Tất nhiên, ông được sự ủng hộ của Thủ tướng Phan Văn Khải và rất nhiều cộng sự trong hệ thống.
Điều quan trọng nhất, các giáo sư nước ngoài khuyên, là cần chặt bỏ được nạn giấy phép con |
Những người cộng sự nhiệt tâm
Sau cuộc họp trên của ông Giá, người chủ trì dự án luật, đến giữa năm 1999, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh chủ trì một cuộc thảo luận vô tiền khoáng hậu.
Trong gần 1 tuần liên tục, nhóm biên soạn Luật Doanh nghiệp chỉ ngồi nghe các giáo sư Đức, Mỹ và Úc thuộc các trường phái khác nhau “cãi nhau” về bản thảo số 10. Điều quan trọng nhất, các giáo sư nước ngoài khuyên, là cần phải chặt bỏ được nạn giấy phép con.
Là người nhanh nhạy, ông Doanh tổ chức các đoàn đi điều tra ngay. Ông Nguyễn Thái Sơn ở Văn phòng Chính phủ lấy được công văn của Thủ tướng, sử dụng như thượng phương bảo kiếm đi kiểm tra khắp các bộ, ngành và địa phương cùng với luật gia Cao Bá Khoát. Một danh sách dài các loại giấy phép được họ lập ra, trong đó có những giấy phép như bán đồng nát, ve chai…
Có danh sách trong tay, ông Doanh mời lãnh đạo các bộ đến Viện. Một lần, ông Cao Đức Phát, khi đó là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đến, ông Doanh nói, Bộ ông có ngần này giấy phép, nên cắt bớt đi. Ông Phát nằng nặc khẳng định, chúng tôi không hề có giấy phép đấy, nhưng vẫn cùng ngồi với ông Doanh rà soát, và phát hiện ra đó là các giấy phép của các cục, vụ thuộc Bộ.
Lúc đó, ông Phát nói khảng khái: “Thôi, của cục thì các ông cứ dẹp tất đi”. Sự ủng hộ của những lãnh đạo như ông Phát, cũng như sự vào cuộc của báo chí đã dẫn tới kết cục là 86 giấy phép con được Thủ tướng Phan Văn Khải cắt bỏ mà không hề thông báo cho các bộ trưởng.
Song, mọi thành quả bao giờ cũng có sự khởi đầu. Năm 1996, ông Nguyễn Đình Cung, cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, được phân công tiếp nhận những bản thảo đầu tiên của Luật Doanh nghiệp khi một cán bộ phụ trách chuyển đi. Ông Lê Viết Thái, một cán bộ kỳ cựu của Viện kể lại, ban đầu ông Cung chỉ được giao sửa đổi một số câu, chữ trong hai luật Công ty và Doanh nghiệp Tư nhân để thành Luật Doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay vì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước…
Ông Thái kể: “Tuy nhiên, ông Cung muốn thay đổi cơ bản nội hàm, và đã hao tâm tổn sức rất nhiều”. Ông Cung nhớ lại: “Ra nước ngoài, tôi mới thấy luật Công ty của họ dày cả trăm trang, mà của mình thì mỏng dính. Với những kiến thức học được, tôi thực sự trăn trở về luật Doanh nghiệp”.
Khi được đưa ra Quốc hội năm 1999, luật Doanh nghiệp đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân nhiệt thành ủng hộ, cùng với nhiều đại biểu như ông Nguyễn Văn Phúc, bà Ngô Bá Thành…
Sau khi luật được thông qua, ông Trần Xuân Giá, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, thành lập ngay Tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp do đích thân ông làm Tổ trưởng. Nhiều thế hệ các chuyên gia tên tuổi như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Đặng Đức Đạm, Trần Hữu Huỳnh… đã họp hàng tuần, rà soát lại tất cả các điều kiện kinh doanh.
Những kiến nghị của họ được những người rất có uy tín như ông Trần Đức Nguyên, Vũ Quốc Tuấn thuộc Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp thu, và trực tiếp viết các văn bản gửi Thủ tướng.
Kết quả của những nỗ lực trước và sau Luật Doanh nghiệp 1999 là hàng nghìn giấy phép con bị dỡ bỏ, vô hiệu hóa, tạo thuận lợi lớn cho người dân thành lập doanh nghiệp.
Đó là một bước tiến không tưởng tượng nổi, khi trước đó doanh nghiệp muốn làm gì cũng phải xin phép. Có những công ty xây dựng chỉ được phép hoạt động từ đèo Hải Vân trở ra, vì không có giấy phép hoạt động trong Nam; hay có những công ty tỉnh Lai Châu muốn hoạt động ở Thủ đô phải được phép của Chủ tịch Hà Nội…
Ông Lê Viết Thái tổng kết: “Nói một cách khách quan, người tạo ra phôi thai Luật Doanh nghiệp là ông Cung, nuôi dưỡng phôi thai để nó ra đời là ông Doanh, đỡ đẻ là ông Giá, và để nó sống được là ông Khải. Lần đầu tiên trong lịch sử hành pháp Việt Nam có việc là sau khi ban hành luật thì thành lập tổ thi hành luật do một Bộ trưởng làm tổ trưởng, một tháng phải báo cáo Thủ tướng một lần”.
Điểm còn gây băn khoăn nhất trong lần này là quy định đưa hộ kinh doanh thành một chương trong luật để quản lý |
Luật Doanh nghiệp cần nối tiếp tinh thần Đổi mới
Kể từ đó đến nay, luật Doanh nghiệp đã trải qua nhiều lần sửa đổi. Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2005 thống nhất quy định cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong nước. Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2015 tiếp tục tinh thần cải cách theo hướng minh bạch và đơn giản hóa với nhiều quy định được dỡ bỏ như bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bỏ con dấu… để tiếp tục phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Những lần sửa đổi đó đều có dấu ấn của những Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư như ông Võ Hồng Phúc, Bùi Quang Vinh.
Cho đến lần sửa đổi luật Doanh nghiệp lần này, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt chú ý đến cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã mọc trở lại như nấm sau mưa suốt hàng chục năm qua. “Thủ tướng vô cùng quyết liệt chỉ đạo phải cắt giảm điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, từ năm 2016 tới nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính được trên 18 triệu ngày công/năm và tương đương với 6.300 tỷ đồng tiết kiệm/năm.
Quyết tâm đó tiếp sức cho luật Doanh nghiệp trong quá trình sửa đổi lần này do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì. Ông Dũng vẫn quyết tâm theo đuổi tinh thần cải cách “người dân có thể làm bất kỳ điều gì phát luập không cấm” như những người tiền nhiệm.
Số doanh nghiệp đã tăng từ 39.069 năm 2000 lên hơn 773.00 đến tháng 5/2020; nhiều tỷ phú đô la xuất hiện, điều chưa bao giờ có trong lịch sử đất nước.
Song tất cả không như là mơ. Điểm còn gây băn khoăn nhất trong lần này là quy định đưa hộ kinh doanh thành một chương trong luật để quản lý. Tuy nhiên, một luồng ý kiến rộng lớn của các đại biểu Quốc hội không đồng tình với quy định này.
Thứ nhất, lý do là việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật.
Thứ hai, những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh. Nhiều người còn băn khoăn: đưa hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp, có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh.
Thứ ba, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.
Luồng tư duy này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ và đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Nếu quy định này được bỏ đi, Luật Doanh nghiệp sẽ có tinh thần kiến tạo nối dài tinh thần cải cách của biết bao những nhà cải cách tiền nhiệm. Cả ông Giá, ông Doanh, ông Cung và nhiều người khác đều đồng tình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nhà nước sẽ không cần phải quản lý, kiểm soát, giám sát việc hoạt động và kinh doanh của 5,4 triệu hộ gia đình đang đóng góp tới 33% GDP của đất nước. Quản lý họ là trói họ, là ngược với tinh thần cởi trói từng đưa lại thành công cho luật.
Tư Giang - Lan Anh
Không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật
Tôi đề nghị không bổ sung chương VIIa về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi.