LTS: Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong kỳ họp tới đây. Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhằm góp ý cho dự thảo luật.  

Về sự cần thiết đưa “hộ kinh doanh” vào Luật Doanh nghiệp

Tôi chưa nhận được tất cả các hồ sơ theo quy định của dự án luật doanh nghiệp sửa đổi.

Tuy vậy, báo cáo đánh giá tác động về dự án luật này chắc chắn là bắt buộc. Trong báo cáo đó, chắc chắn phải có đánh giá tác động của những quy định về hộ kinh doanh như dự thảo tại chương này đối hộ kinh doanh, môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Phần báo cáo về hộ kinh doanh phải làm rõ được ít nhất các vấn đề sau đây:

Hộ kinh doanh là gì?

(i) Những vấn đề hộ kinh doanh đang gặp phải là gì? Mức độ và quy mô của các vấn đề đó như thế nào?

(ii) Có bao nhiêu giải pháp, phương án giải pháp để giải quyết các vấn đề mà hộ kinh doanh đang gặp phải.

(iii) Đánh giá, lượng hóa chí phí-lợi ích của từng giải pháp, phương án giải pháp; so với phương án cơ sở là giữ nguyên như hiện nay.
(iv) Thảo luận, tham vấn với các bên, nhất là chuyên gia, giới luật sư, kinh doanh, các hộ kinh doanh… và phản hồi của cơ quan soạn thảo.

(v) Lựa chọn giải pháp cuối cùng về mặt chính sách là gì?

(vi) Soạn thảo thành các điều luật cụ thể.

Nếu chưa có hay không có báo cáo tác động đánh giá có căn cứ khoa học và thực tiễn về các vấn đề nói trên, với sự tham gia rộng rãi của các bên có liên quan như nói trên, thì chưa đủ căn cứ pháp lý và khoa học để bổ sung thêm chương về Hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp sửa đổi.

{keywords}
TS Nguyễn Đình Cung: "Không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật"

Về hình thức và kết cấu nội dung của văn bản pháp luật

Chúng ta có thể đưa chương VIIa Hộ Kinh doanh vào doanh nghiệp sửa đổi, giống như cho một vật ký sinh bám một cách miễn cưỡng vào một thực thể đã hoàn chỉnh, đang đầy sức sống.

Thật vậy, Luât Doanh doanh nghiệp đã qua nhiều lần sửa đổi, dài ngắn khác nhau; nhưng tất các chương, điều khoản đều có liên quan với nhau, gắn kêt với nhau, bổ sung cho nhau tạo thành một thể thống nhất và hoàn chỉnh.

Bây giờ, đưa hộ kinh doanh thành chương VIIa của Luật, thì ta thấy rõ ràng là chương I, chương II, chương IX, X đều không áp dụng với Chương VIIa; và nội dung chương VIIa về hộ kinh doanh hoàn toàn không liên quan gì đến các chương III, IV, V, VI và VII của Luật. Nội dung chương VIIa có hình hài về hình thức và cấu trúc nội dung tương tự như Luật Doanh nghiệp qua các thời kỳ.

Tóm lại, đưa chương VIIa hộ kinh doanh như một phần của Luật Doanh nghiệp là một sự gượng ép, bất hợp lý, phá vở kết cấu khoa học, hệ thống của một đạo luật cả về nội dung và hình thức. 

Không có định nghĩa về hộ kinh doanh

Tất cả chúng ta đều viết luật doanh nghiệp có định nghĩa rõ ràng về doanh nghiệp nói chung và từng loại hình doanh nghiệp nói riêng (bao gồm doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh…).

Chương VIIa quy định về hộ kinh doanh, nhưng không có định nghĩa về hộ kinh doanh. Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta chưa biết hộ kinh doanh là gì, và chắc chắn không có nhận thức thống nhất về bản chất của hộ kinh doanh.

Nói cách khác, về mặt pháp lý, chúng ta chưa biết chương VIIa điều chỉnh cái gì? Nhà nước quản lý cái gì? Xã hội giao dịch với hộ kinh doanh là giao dịch với cái gì…Cuối cùng, không rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của toàn bộ các quy định về hộ kinh doanh.

Không có quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của hộ kinh doanh

Không có định nghĩ về hộ kinh doanh, do đó, vấn đề không rõ tiếp theo ở đây là hộ kinh doanh có phải là một chủ thể pháp lý hay không?. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hộ kinh doanh là gì?

Đây là những vấn đề pháp lý cần được quy định rõ. Nếu không, quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân hộ kinh doanh và các bên có liên quan sẽ không được luật pháp bảo vệ một cách chắc chắn. Bổ sung thêm quy định mà không tạo thêm mức độ và hiệu lực bảo vệ của luật pháp đối với quyền và lợi ích liên quan là điều không nên làm.

Những quy định chương VIIa

Chương VIIa có 12 điều, về cơ bản là quy định thủ tục hành chính, không có luật nội dung; so với hiện hành, số thủ tục hành chính nhiều hơn; hồ sơ, giấy tờ nhiều hơn, thủ tục phức tạp hơn; chắc chắn tạo thêm khó khăn hơn, nhiều chi phí hơn đối với  hộ kinh doanh; đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Đảng và Nhà nước.

Dự thảo chương VIIa có 12 điều, trong đó, có 4 điều về hồ sơ, trình tự và thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh, 2 điều về hồ sơ, trình tự và thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, 1 điều về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký tạm dừng kinh doanh; 1 điều về hồ sơ, trình tự và thủ tục khai báo chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh; 1 điều về các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh và hồ sơ trình tự và thủ tục thu hồi theo quy định của Chính phủ.

Tóm lại, 12 điều, thì có 2 điều về quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh, còn lại 10 điều và có thêm nghị định của Chính phủ về các hồ sơ, trình tự, thủ tục có liên quan). Những quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo dự thảo hoàn toàn tương tự như các điều khoản liên quan của Nghị định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, chính sách nổi bật của nhà nước đối với hộ kinh doanh (theo chương VIIa của dự thảo) là tăng cường kiểm soát, tăng cường quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh; làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh.

Ngoài ra, không có bất kỳ quy định nào tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh cho chủ hộ và hộ kinh doanh; không có bất kỳ quy định nào tạo thêm thuận lợi cho hoạt động của hộ kinh doanh; không thấy quy định khuyến khích phát triển hộ kinh doanh; không có quy định bảo vệ quyền, lợi ích pháp pháp của chủ hộ kinh doanh, của hộ kinh doanh và các bên có liên quan với chủ hộ kinh doanh và hộ kinh doanh.

Tóm lại, những bình luận chung trên đây cho thấy Chính phủ (mà trực tiếp là cơ quan soạn thảo) chưa xác định được bản chất pháp lý của hộ kinh doanh (như một chủ thể pháp lý), chưa làm rõ được những vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh, chưa đánh giá tác động của các dự thảo, chưa phân tích, cân nhắc các phương án lựa chọn; không chỉ ra được những tác động tích cực của các quy định trong chương VIIa so với hiện hành; và hàng loạt vấn đề liên quan khác chưa được làm rõ.

Thêm vào đó, đưa chương VIIa về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp như là cấy ghép miễn cưỡng, bất hợp lý vào Luật Doanh nghiệp; làm méo mó cả hình thức và cấu trúc nội dung của Luật Doanh nghiệp.

Đại bộ phận các quy định chỉ là thủ tục hành chính về quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh về cơ bản như hiện hành; không có bất kỳ giá trị tăng thêm so với hiện hành. Do đó, tôi đề nghị không bổ sung chương VIIa về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Nguyễn Đình Cung