Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước về việc sử dụng nguồn cát tại hồ Dầu Tiếng cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Theo đó, nhằm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho dự án Vành đai 3, TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh trên quan tâm và sớm có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản gồm cát xây dựng, cát đắp nền tại khu vực hồ Dầu Tiếng.

TP.HCM cũng đề nghị ba tỉnh Đông Nam Bộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về các mỏ cát khu vực hồ Dầu Tiếng (như giấy phép khai thác, giấy phép thăm dò, trữ lượng quy hoạch, trữ lượng khai thác, thông tin về chủ mỏ cát); phối hợp và hỗ trợ với tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho Dự án đường Vành đai 3 khảo sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn cát khu vực hồ Dầu Tiếng

Công nhân thực hiện san lấp đất đắp nền đường xây dựng cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A của dự án Vành đai 3 TP.HCM

Trước đó, UBND TP nhiều lần giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang rà soát, khảo sát nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ dự án vành đai 3 TP.HCM.

Theo ước tính, khối lượng vật liệu xây dựng cần thiết phục vụ cho dự án bao gồm 4 loại gồm đất đắp nền đường gần 1,68 triệu mét khối (m3), cát đắp nền đường 7,2 triệu m3, cát xây dựng gần 1,5 triệu m3, đá xây dựng 4,4 triệu m3. 

Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, các bên nhận thấy vật liệu đá, cát xây dựng và đất đắp nền đường đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của dự án song còn khó khăn trong việc tìm nguồn cung cát đắp nền đường.

Hôm 13/3, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã khảo sát thực tế tại một loạt dự án giao thông trọng điểm khu vực Nam Bộ như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 3 TP.HCM.

Tại đây, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện có nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai đồng thời nên tình hình nguồn cung cấp vật liệu cát gặp nhiều khó khăn.

Do đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chủ đầu tư Dự án Vành đai 3 TP.HCM (Ban giao thông) tính đến phương án sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng (thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước).

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An); được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư dự án 75.378 tỷ đồng.

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 6/2022, TP.HCM và 3 tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để đẩy nhanh triển khai dự án Vành đai 3.

Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023 và hoàn thành năm 2026. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành đi qua mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.