Trong nghị quyết vừa được ban hành, Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định, đồng thời chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án nghị quyết về giảm VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2023.
Bộ Tài chính có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định, bảo đảm tiến độ báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu.
“Trong tờ trình cần nêu việc giảm VAT, bổ sung nội dung Chính phủ trân trọng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương giảm thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn hiện nay”, Chính phủ lưu ý.
Giữa tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất năm 2023 giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (xuống còn 8%).
Theo Bộ Tài chính, thực hiện theo phương án trên nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến con số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp tác động đến thu ngân sách, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với bộ ngành và địa phương triển khai hiệu quả các Luật thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước.