Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Cơ quan làm án mà cấp kinh phí và biên chế như hành chính thì rất khó

Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn (Bình Dương) ghi nhận những kết quả đạt được của các cơ quan tư pháp thời gian qua là rất đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực rất lớn, cố gắng của các cơ quan tư pháp trong năm 2023.

Kết quả đạt được nêu trên trong điều kiện biên chế, kinh phí chưa đầy đủ và áp lực công việc rất nhiều.

"Một số nơi các cơ quan, tòa, viện cán bộ xin đi làm ở chỗ khác, thậm chí xin nghỉ việc vì áp lực công việc lớn quá, nhưng kết quả vẫn đạt được như vậy”, đại biểu đề nghị Quốc hội phải đánh giá sự nỗ lực rất lớn của cơ quan tư pháp.

tran cong phan binh duong 1.jpg
Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn (Bình Dương)

Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ mong muốn các cơ quan, trước hết là các cơ quan pháp luật trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp để làm đúng, tìm ra chân lý.

“Vì tội phạm chỉ có tội hay không có tội, một hành vi xảy ra có tội hay không có tội và nó là tội gì. Các cơ quan phải thuyết phục, phối hợp với nhau để tìm ra chân lý đó, có tội và tội gì hoặc không có tội. Đúng và sai phải phối hợp làm cho đúng, không phải phối hợp để chúng ta làm sai”, ông Trần Công Phàn phân tích.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Bình Dương cũng nhấn mạnh, các cơ quan làm án có tính chất rất đặc thù nên “cứ cấp kinh phí và biên chế như các cơ quan hành chính thì rất khó”.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm đến cơ quan tư pháp nói chung và viện kiểm sát cũng như tòa án trong việc xem xét để cấp biên chế, kinh phí cũng như trang bị cho tương xứng với nhiệm vụ đặt ra.

“Nhiệm vụ ngày càng nhiều hơn, áp lực cao hơn mà biên chế như vậy thì rất khó khăn cho hoạt động”, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao, nói.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cũng cho rằng, TAND và VKSND đều nêu khó khăn về biên chế, tài chính chưa bố trí đảm bảo, nhiều áp lực, chưa đảm bảo thực thi nhiệm vụ.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn nội dung do ngân sách Nhà nước của địa phương đảm bảo mức nào, hỗ trợ ra sao cho các cơ quan tư pháp cùng cấp hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị, nếu chưa có giải pháp bố trí đầy đủ biên chế cho các ngành tư pháp ở các cấp, cần có cơ chế tài chính đảm bảo để TAND, VKSND các cấp thuê mướn nhân lực, dịch vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại, nhất là trong lĩnh vực số hóa hồ sơ, tống đạt các quyết định công nghệ thông tin, thực hiện các nhiệm vụ mới.

Bố Thị Xuân Linh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) 

Bà Xuân kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp và chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực tư pháp phù hợp với số lượng, tính chất công việc, địa bàn phát triển.

“Điều này chính là cụ thể hóa quan điểm Nghị quyết số 27 của Trung ương, phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là với đội ngũ thẩm phán”, đại biểu nhấn mạnh.

Công chức phải có thu nhập khá trong xã hội

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) bày tỏ hoan nghênh khi ngày 29/9/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.

“Đây là một hành lang pháp lý để đội ngũ cán bộ có cơ sở, niềm tin vượt lên chính mình và khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ và giải quyết công việc không hiệu quả”, đại biểu tỉnh Bình Thuận nói.

bo thi xuan linh.jpg
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận)

Tuy nhiên, cử tri băn khoăn, lo lắng và trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, vẫn còn tham nhũng vặt và nhũng nhiễu với các doanh nghiệp và người dân. Thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra, xét xử.

Vì vậy, bà Xuân Linh đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp, trong đó cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Bởi lương và phụ cấp là những khoản thu chính và nguồn sống chính của cán bộ công chức nhưng hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập.

“Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, phấn đấu để cho họ sống chủ yếu bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội”, đại biểu Xuân Linh đề xuất.