Huống chi, “điều kỳ diệu Việt Nam” nếu được thế giới ghi nhận, cũng chính là tính trường tồn và phát triển văn minh của dân tộc này qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trước sự thách đố hay vùi dập triền miên của thiên tai lẫn địch họa.

Nằm trong chủ trương chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm điều chỉnh, đổi mới ở từng môn học cụ thể, một nhóm các chuyên gia về lịch sử đang tiến hành một dự án nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp dạy học môn lịch sử trong nhà trường phổ thông.

 Với tư cách là người chủ trì dự án, viết ý tưởng cho phần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học môn lịch sử, GS.TSKH. Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa có lời chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ ngày 2-12. Qua đó, ông cho rằng chương trình giáo dục ở phổ thông hiện nay vẫn nặng theo hướng cung cấp kiến thức, mà kiến thức mỗi ngày lại nhiều lên, cần cập nhật liên tục, dẫn tới việc học sinh bị quá tải, và môn lịch sử chịu hậu quả nặng nề nhất của việc này. Trong khi sức hấp dẫn chủ yếu của lịch sử là khách quan thì nội dung môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông lại mang nặng tính chủ quan, từ cách diễn đạt cho đến nội dung, các nhận định về sự kiện, nhân vật lịch sử..., các bài học lịch sử đều bắt buộc phải thuộc lòng những ý nghĩa đã được ấn định một cách giáo điều, khiến cho học sinh chán học.

{keywords}

Mặt khác, chương trình môn học này ở phổ thông hiện nay xây dựng theo tiến trình lịch sử từ cổ đến kim, nội dung đưa vào mỗi bậc học chưa gắn với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, nên càng kém hấp dẫn.

Bởi vậy, ý tưởng triển khai dự án đổi mới nội dung, phương pháp dạy học môn lịch sử sẽ bắt đầu từ việc xây dựng nội dung môn lịch sử theo hướng mà ông Giang gọi là “phân khúc đồng tâm”. Ở bậc học nào cũng có đưa vào các kiến thức lịch sử ở các thời kỳ từ cổ đến kim, nhưng sẽ chọn lọc theo mức độ và hình thức khác nhau cho phù hợp. Ông còn cho biết, đang suy nghĩ đến việc có thể thiết kế các phần mềm game mang nội dung lịch sử vào dạy học; ví dụ, để học sinh tự điều khiển trận đánh Bạch Đằng, thậm chí đưa ra các câu hỏi mang tính mở như “Nếu em là chỉ huy, em sẽ chỉ đạo trận đánh này như thế nào?”...

Có thể nói, những ý kiến trên đều sát với thực tiễn dạy và học môn lịch sử trong nhà trường phổ thông nhiều chục năm nay. Nhưng thiết nghĩ, cần làm rõ thêm nội dung môn lịch sử đang nặng theo hướng cung cấp kiến thức kia, là những kiến thức về lĩnh vực nào, mức độ cần thiết của chúng ra sao? Từ đó mới có thể điều chỉnh, bổ sung hay lược bỏ cho vừa sức học sinh, mà vẫn đảm bảo tính hấp dẫn và hiệu quả trau dồi kiến thức phổ thông về lịch sử.

Trong phạm vi ý kiến nhỏ này, chỉ xin nói về lịch sử của đất nước Việt Nam, và xin bắt đầu từ bộ đề minh họa môn lịch sử, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 5-10 năm nay. Bộ đề với 40 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 50 phút, có 29 câu hỏi về lịch sử Việt Nam thì tuyệt đại đa số (27/29) xoay quanh các văn kiện nghị quyết chính trị của Đảng, các hoạt động đấu tranh giai cấp, xung đột quân sự thời tiền khởi nghĩa, hoặc các sự kiện chiến dịch chiến trường trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Thiết tưởng, cho dù vinh quang hào hùng đến đâu thì lịch sử một đất nước, một dân tộc không chỉ có lịch sử của khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng. Trong thời chiến, tô đậm phần lịch sử này có thể là nhiệm vụ tối cần thiết để động viên tinh thần đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng nếu vẫn kiên trì công việc đó thì liệu còn phù hợp nữa chăng, trong thời đại mà chúng ta đang hòa nhập với thế giới, phấn đấu cho hòa bình ổn định để xây dựng kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển công nghiệp hóa theo hướng văn minh, hiện đại?

Nhà sử học Trần Trọng Kim từng mở đầu lời tựa cuốn Việt Nam sử lược nổi tiếng của ông bằng nhận xét: “Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc”.

Theo tinh thần đó, nhu cầu hiểu biết về những vận hội trị hay loạn của một nước (ở đây chủ yếu là về chính trị, xã hội) không thể lấn át nhu cầu hiểu biết về trình độ tiến hóa của dân tộc. Huống chi, “điều kỳ diệu Việt Nam” nếu được thế giới ghi nhận, cũng chính là tính trường tồn và phát triển văn minh của dân tộc này qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trước sự thách đố hay vùi dập triền miên của thiên tai lẫn địch họa. Có dựng nước mới có giữ nước. Và dựng nước không đơn thuần chỉ là dựng nên một thể chế chính quyền, theo một chủ thuyết chính trị.

Hơn bao giờ hết, cùng với truyền thống văn hóa dân tộc, những lớp người trẻ cũng rất cần được hiểu biết và tự hào cả về truyền thống hoạt động khoa học - kỹ thuật, hoạt động kinh tế - kinh doanh của các thế hệ cha ông thuở trước. Xa xưa thì sản phẩm đồ đá, đồ đồng; gần hơn thì các kỹ nghệ làm gốm, giấy, kỹ thuật làm các mặt hàng kim hoàn mỹ nghệ, dệt, nhuộm, chế biến ẩm thực... cho nhu cầu ăn mặc nội địa và nhu cầu ngoại thương. Bao quát hơn là khoa học kỹ thuật về trồng lúa với công thức “nước, phân, cần, giống” hoặc về kiến trúc độc đáo hài hòa, về y học dưỡng sinh phù hợp với thiên nhiên nhiệt đới, hay về phương tiện giao thông vận tải phù hợp mạng lưới địa hình...

Cũng có thể liên hệ so sánh với việc lập quỹ tên đường đô thị Việt Nam. Bên cạnh tên những danh nhân hay sự kiện lịch sử chính trị và tên những danh nhân văn hóa, khoa học, nghệ thuật, cần có thêm tên những nhà kỹ nghệ, nhà doanh thương trong lịch sử dân tộc, mà công trình sản phẩm hay cơ nghiệp của họ từng ghi dấu ấn Việt Nam, sánh ngang ngửa với láng giềng khu vực, thậm chí với thế giới Âu Mỹ.

Hãy thử hình dung tâm lý của học trò phổ thông hôm nay. Các em đang sống với phương tiện vật chất kỹ thuật hiện đại ngày một cải tiến, đang chứng kiến cuộc mưu sinh của cha mẹ ông bà trong môi trường kinh tế và xã hội không ngừng thử thách. Những kiến thức thiết thực khơi dậy không chỉ niềm tự hào mà cả sự khát khao hiểu biết như đã nói ở trên, từ môn lịch sử (cùng những môn học khoa học xã hội và nhân văn khác), chắc chắn sẽ tăng thêm hào hứng cho các em gắn học với hành để trở nên người có ích cho đất nước, cho gia đình và xã hội.

Bình Vương/ theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt.