Trên đường đi làm, tôi thấy một điểm bán dưa hấu từ thiện. Tấm băng rôn treo gần đó in đậm dòng chữ “Bán dưa hấu giúp bà con nông dân tỉnh Quảng Ngãi, giá 8.000 đồng/kg” do Ban chấp hành Đoàn phường Mộ Lao đứng ra.

Mấy hôm nay, những hình ảnh tương tự cũng ngập tràn trên báo. Nhiều tỉnh thành, nhiều tổ chức, cá nhân bắt tay vào công cuộc “giải cứu” dưa hấu, thanh long trong bối cảnh Trung Quốc chưa mở lại các cặp chợ biên giới.

Trung Quốc chưa mở các cửa khẩu phụ đã khiến thanh long, dưa hấu rớt giá. Giá bán tại ruộng dưa giảm xuống chỉ còn khoảng 1.500 - 2.500 đồng/kg nhưng cũng chẳng có thương lái đến mua. Nhiều đội giải cứu được lập ra để thu mua cho bà con. Nhưng dưa  thì vẫn ế. Người dân vẫn khóc. Hình ảnh người nông dân khắc khổ bên ruộng dưa vẫn đầy sức ám ảnh.

Không phải bây giờ, chuyện “giải cứu” thanh long, dưa hấu mới có. Chuyện này trong quá khứ cũng diễn ra không ít lần, với nhiều mặt hàng nông sản khác nữa. Người nông dân có thể vui mừng với một vụ mùa thắng lợi, nhưng năm sau thì lại là nước mắt.

{keywords}
Trồng trọt tự phát, không theo tín hiệu thị trường, không theo tiêu chuẩn chất lượng không phải là cách để nông sản Việt đi ra biển lớn.

Lý do, phần lớn nông sản Việt sang Trung Quốc đi theo đường “trao đổi cư dân biên giới”, chứ ít theo đường chính ngạch. Trung Quốc dường như cùng điểm đến thân quen và duy nhất của nhiều nông sản Việt. Do đó, mỗi lần Trung Quốc thay đổi chính sách, là một lần nông sản lâm cảnh “giải cứu”.

Trong cuộc họp ở Bộ Công Thương ngày 7/2, nhìn cảnh nông sản lao dốc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã phải nhấn mạnh lời kêu gọi “tiếp tục vận động các chủ hàng ở biên giới chuyển sang xuất khẩu chính ngạch”. Nhiều lãnh đạo Vụ, Cục trong cuộc họp ấy cũng nhắc đi nhắc lại thông điệp này.

Tất nhiên, không phải nói chuyển xuất khẩu chính ngạch là chuyển được ngay, dưa hấu bọc lót bằng rơm rạ thì không có “cửa” sang Trung Quốc theo con đường này. Trái cây đó, nông sản đó phải đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, bao bì, an toàn thực phẩm… Bao năm nay, bộ ngành đã vận động người nông dân làm theo hướng này, nhưng sự xoay chuyển vẫn còn chậm chạp.

Trong lúc khó khăn này, hướng đi đó lại càng cần phải quan tâm nhiều hơn.  Nếu khâu trồng trọt, sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, thì khi thị trường Trung Quốc “hắt hơi”, thanh long, dưa hấu cũng có thể chuyển hướng đến các thị trường khác, nhất là khi Việt Nam đã ký tới 13 hiệp định thương mại tự do.

Đơn cử Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU vừa được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn sẽ là lựa chọn tốt cho nhiều mặt hàng nông sản Việt. Song, dù được giảm thuế, nông sản Việt sẽ chưa thể vào thị trường EU trực tiếp được ngay nếu không vượt qua được các bài kiểm tra về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng...  Yêu cầu tiên quyết của EU là nông sản tươi sống xuất khẩu vào thị trường này đều phải có chứng nhận Global Gap (Tiêu chuẩn về Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).

Muốn làm được điều này, tất nhiên doanh nghiệp và nhà nước phải sát cánh cùng người nông dân, để họ thay đổi tập quán trồng trọt suốt bao đời nay. Trồng trọt tự phát, không theo tín hiệu thị trường, không theo tiêu chuẩn chất lượng không phải là cách để nông sản Việt đi ra biển lớn. Nông sản cũng như nhiều loại hàng hóa khác, sản xuất ra cần phải biết ngay từ đầu là sản xuất bán cho ai, với giá nào, bán ở đâu và ở thời điểm nào là hiệu quả nhất.

Gửi cho tôi một bài viết về nông sản, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại nói rằng: Về Sản xuất hàng hóa thì tất cả đều phải tổ chức sản xuất theo quy hoạch, theo lợi thế từng vùng, từng địa phương một cách khoa học, bài bản và có tính thực tiễn cao. Sản xuất và tiêu thụ phải gắn liền thành một chuỗi chặt chẽ, có tính pháp lý, vừa quản lý được chất lượng hàng hóa, vừa chia sẻ được lợi ích một cách hài hòa trong chuỗi giá trị đó. Sản xuất nông sản vừa phải xây dựng được thương hiệu, tuân thủ nghiêm kỉ luật sản xuất và kỉ luật thị trường trong thu hoạch, chế biến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Làm được vậy, thanh long, dưa hấu… mới không phải thường xuyên gặp cảnh “ế hàng”. Bởi các phương án giải cứu ở thành thị, siêu thị, vỉa hè hiện nay chỉ có tác dụng phần nào, không phải là biện pháp cơ bản để tiêu thụ nông sản. Mặt khác, các đợt giải cứu không thể kéo dài mãi được. Có quan chức ngành Công Thương tiết lộ rằng, để tiêu thụ hết được 5.000 tấn hoa quả  giải cứu theo kiểu “mua giá nào bán giá đó”, có hệ thống siêu thị phải chịu lỗ tới 17 tỷ đồng tiền vận chuyển và các chi phí khác.

Lúc này, doanh nghiệp, người dân chung tay gánh vác, hỗ trợ người nông dân, nhưng rồi cũng có lúc người ta mệt mỏi chứ.

Lương Bằng