Nhóm chuyên gia Đại học Luật Hà Nội vừa đề xuất ý tưởng theo hướng loại bỏ nhà thấp tầng (nhà ở riêng lẻ, nhà liền kề, nhà phân lô, bán nền) trong khu lõi của Thủ đô Hà Nội và xây dựng hệ thống nhà tầng hiện đại; trừ những khu vực xác định là khu vực nội đô lịch sử với những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử: nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác có ý nghĩa quan trọng như kiến trúc cổ, kiến trúc châu Âu.
Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất này không phù hợp, thiếu thực tiễn.
Chia sẻ với PV VietNamNet, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, những người đưa ra đề xuất muốn làm thế nào để có chỗ ở tốt hơn, mỹ quan đô thị, hạ tầng tốt hơn… Nhưng, họ không hiểu về thực tiễn và công tác quy hoạch Hà Nội.
Theo ông Chính, Hà Nội là cả quá trình đô thị hóa, lâu đời, 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Khu vực nội đô lịch sử, quá trình phát triển và khi mở rộng Thủ đô, Chính phủ đã có quy hoạch bài bản, khoa học được nhiều nhà nghiên cứu đã nghiên cứu, thông qua người dân, Hội đồng Thẩm định và được Thủ tướng phê duyệt, hiện đi vào cuộc sống.
Tại Hà Nội, nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn. Loại nhà được gọi là “chung cư mini” đã tạo nơi ở cho nhiều người… nhưng vì quản lý không tốt nên mới xảy ra việc cháy vừa qua. Vì thế, việc quản lý nhà ở riêng lẻ, chung cư cần phải làm tốt.
Ông Chính cho rằng, những người đưa ra ý kiến nhìn vấn đề đô thị sạch đẹp, văn minh, hiện đại mà không nhìn thấy các vấn đề hiện thực của xã hội, hiện thực của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa.
Vấn đề ở đây chúng ta cần quan tâm đến công tác quản lý. Làm sao để những khu vực thấp tầng đó có quản lý tốt về giao thông, hạ tầng, kiến trúc, xây dựng thế nào để phù hợp với yêu cầu của phát triển đô thị.
“Đề xuất đó không phù hợp, thiếu thực tiễn và không hiểu được hết quá trình đô thị hóa. Nói thì ai cũng nói được, vấn đề thực hiện không đơn giản thế. Nên có quản lý tốt, hạ tầng tốt, có thêm tiết chế về văn hóa, xã hội để phục vụ tốt nhất cho người dân là hạnh phúc nhất.
Làm sao mà bỏ đi được, nhà đó là diện dân cư rất lớn; còn việc xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội cũng chỉ phục vụ được một số người dân chứ không phải tất cả”, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói.
Ở góc độ là chuyên gia kiến trúc đô thị, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói thẳng: “Việc này không làm được”.
Bởi theo ông, đô thị nào cũng có những kiến trúc truyền thống, hiện hữu như nhà lô phố… tồn tại đến hàng triệu căn nhà chứ không thể xóa đi để xây cao tầng được. Đây là vấn đề không tưởng.
“Nên học quy hoạch của người Pháp, họ làm quy hoạch ô bàn cờ để chia các khu vực thành từng ô, có giao thông thuận tiện, xe cứu hỏa, cứu thương đi vào được… Từ đó mới chỉnh trang kiến trúc đô thị ở khu vực đó.
Đặc trưng của đô thị Việt Nam là từ làng lên phố. Ở đó có hàng triệu người dân ở, nên không phải bảo bỏ đi rồi xây chung cư vào đó được”, ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng cho rằng, đề xuất bỏ nhà thấp tầng là “không phù hợp thực tiễn, không phù hợp với lịch sử phát triển các đô thị Việt Nam”, vị chuyên gia kiến trúc đô thị cho hay, muốn chỉnh trang phải có quy hoạch chi tiết, từ đó mới quy hoạch được mạng lưới hạ tầng.
“Những ngôi nhà đó đang tham gia vào phát triển nhà ở, trong khi nhiều người dân thiếu chỗ ở. Thế nhưng phải có định hướng, kiểm soát từ cấp phép xây dựng. Chỗ nào cho xây 3 tầng, 5 tầng… còn cấp phép 6 tầng lên 9 tầng là tùy tiện, gây phản cảm trong xã hội.
Không phải đơn thuần nói xóa là xóa; cũng không hạn chế được, người dân đang có nhu cầu ở nhưng không phải ai cũng có tiền ở chung cư thương mại, đến nhà ở xã hội cũng 20 triệu đồng/m2, người nghèo đô thị làm sao có tiền”, ông Tùng nói thêm.