Nêu ý kiến vào dự thảo “Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, nhóm chuyên gia gồm TS. Chu Mạnh Hùng (Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Luật Hà Nội) và TS. Đỗ Xuân Trọng (Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai) đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng (nhà riêng lẻ của khu vực dân sự, nhà liền kề, phân lô, bán nền) trong khu lõi của Thủ đô và xây dựng hệ thống nhà tầng hiện đại.
Theo nhóm chuyên gia Trường ĐH Luật, việc loại bỏ nhà thấp tầng trong lõi đô thị vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, vừa mở rộng được hệ thống hạ tầng.
Đề xuất trên của TS. Chu Mạnh Hùng và TS. Đỗ Xuân Trọng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của bạn đọc VietNamNet. Bạn đọc Lê Dũng ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, đề xuất này rất khó thực hiện vì nguồn vốn quá lớn, đồng thời việc giải phóng mặt bằng những khu nhà riêng lẻ cũng không dễ.
“Với những nước phát triển, các nhà ở riêng lẻ trong đô thị lõi như Hà Nội rất ít. Họ quy hoạch, xây dựng những khu dân cư hiện đại, ngăn nắp không nhiều ngõ ngách như chúng ta”, bạn đọc Lê Dũng chia sẻ.
Cùng vấn đề trên, bạn đọc Thanh Bình cho rằng, tính khả thi của đề xuất này vô cùng thấp. “Cứ nhìn thực tiễn của Hà Nội là thấy rõ việc này có thực hiện được hay không. Hà Nội có hàng triệu dân ở các nhà riêng lẻ trong khu vực quận nội thành. Vậy làm cách nào để loại bỏ hàng vạn ngôi nhà của họ?”, bạn đọc Thanh Bình đặt vấn đề.
Dẫn chứng cho việc này, bạn Thanh Bình nêu ví dụ hàng trăm tòa nhà tập thể cũ đã xuống cấp, thậm chí ở mức nguy hiểm nhưng Hà Nội không dễ cải tạo.
“Việc giải tỏa hàng vạn ngôi nhà thấp tầng để xây nhà cao tầng cần hàng triệu tỷ sẽ lấy tiền ở đâu? Việc kiểm đếm, xác định giá trị mỗi ngôi nhà lấy nhân lực đâu để làm và tính toán thế nào. Một vấn đề quan trọng nữa là tính pháp lý của việc này thế nào, liên quan đến bao nhiêu luật, nghị định, thông tư?”, bạn đọc Thanh Bình băn khoăn.
Cần nhanh chóng di dời trường học, bệnh viện ra ngoại thành
Chia sẻ với VietNamNet, bạn đọc Hai Lúa cho rằng, ý tưởng trên có vẻ hay nhưng không khả thi với Hà Nội. “Những năm qua, chỉ có chuyển vài cơ quan, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô đã khó chứ chưa nói là hàng triệu người dân ở nhà riêng lẻ”, bạn đọc Hai Lúa bày tỏ.
Còn bạn Nguyễn Bình Minh nêu lo ngại việc loại bỏ nhà riêng lẻ để xây dựng nhà cao tầng sẽ dẫn tới tình trạng vùng lõi của TP Hà Nội bị nhồi nhét thêm người vào. Lúc đó đường phố của Thủ đô còn bị ùn tắc nghiêm trọng hơn.
Bạn Xuân Hoà cũng ý kiến, nhà riêng lẻ và ngay cả chung cư mini sẽ khó bỏ được trong một thành phố mà đất chật người đông. Do vậy, để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn xây dựng những khu nhà ở riêng lẻ, chung cư mini.
Theo bạn đọc Phan Hà, điều quan trọng nhất hiện nay của TP Hà Nội là di dời bớt các trường học, bệnh viện, cơ quan ra ngoại thành. “Nếu vẫn để các cơ sở này trong nội đô thì dù có giãn dân ra ngoài rồi thì họ cũng phải vào nội đô làm việc, học tập. Đường vẫn cứ ngày một ùn tắc thêm”, bạn Phan Hà nêu quan điểm.
Bạn Bùi Dũng cho rằng, trong các quận nội đô của TP Hà Nội nên di dời bớt người dân, các cơ quan đơn vị ra ngoại thành để thành phố thông thoáng. “Mới nhà thấp tầng mà đường phố đã toàn người với xe rồi, giờ thành nhà cao tầng cả ngàn người nữa thì đi vào đâu?”, bạn Bùi Dũng băn khoăn.
Cùng mối quan tâm, bạn Tú Văn chia sẻ quan điểm cá nhân, là muốn ở nhà thấp tầng, có khuôn viên rộng rãi. Nhưng nghịch lý ở Hà Nội với ‘rừng bê tông’ xây dựng kín mít nhau, đường chật hẹp, ra đường là kẹt xe, bụi bặm, ồn ào, ngột ngạt…
“Chính sách của Nhà nước chỉ cần điều chỉnh theo hướng khắc phục bất cập, buộc chủ đầu tư tuân thủ quy hoạch, xây dựng đúng phép là được. Để như hiện tại thì số công trình sai phép, không phép, ngày càng nhiều hơn, bất cập cũng từ đấy mà ra”, ban Tú Văn ý kiến.