- ĐB tỉnh Bình Định đề xuất đưa biển số xe, kho số vào tài sản công, cho đấu giá có thể giúp ngân sách thu được hàng triệu tỉ đồng.
Phát biểu thảo luận tại QH chiều nay về dự thảo luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, kho biển số xe và số điện thoại là tài sản công có thể khai thác được ngay nhưng chưa được nghiên cứu.
Theo ông Cảnh, nếu biết khai thác, cho đấu giá, quản lý tốt kho số này có thể giúp ngân sách thu được cả triệu tỉ đồng trong vài chục năm tới, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay, khi các phương thức huy động vốn trong dân chưa khả thi.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị đấu giá biển số xe đẹp và sim đẹp. Ảnh: Hoàng Anh |
Ông Cảnh ước tính, nếu đấu giá ngay trong giai đoạn 2018-2020 khi luật có hiệu lực thì có thể thu tới 100.000 tỉ đồng.
ĐB dẫn chứng, năm 2008, Nghệ An thí điểm bán đấu giá 1 biển số xe tứ quý 9 thu 700 triệu đồng. Tháng 10 vừa qua, một số điện thoại 6 số 8 được bán đấu giá hơn 1,6 tỉ đồng.
Ông Cảnh ước tính, với tốc độ gia tăng xe ô tô như hiện tại thì trong 3 năm 2018-2020 sẽ có thêm 1,8 triệu xe. Chỉ cần 25 triệu đồng/biển thì sẽ có thêm 45.000 tỉ đồng. Với xe máy, con số này còn lớn hơn nhiều.
"Với 63 tỉnh thì kho số tiềm năng là 160 triệu biển số, tương ứng có 14.400 số ngũ linh có 5 số giống nhau. Nếu 1 tỉ/số thì chúng ta sẽ có 14.400 tỉ đồng”, ông Cảnh tính toán.
Ông đề nghị nếu được thông qua, Chính phủ nên cho phép tổ chức, công dân có biển số, sim số đẹp sau đấu giá được tiếp tục sử dụng cho phương tiện, thiết bị mới mà không phải đấu giá lại.
Để thực hiện, ĐB tỉnh Bình Định đề xuát phân biển số, số sim thành 3 loại là biển số đẹp, biển số theo yêu cầu và biển số ngẫu nhiên.
Trong đó số ngẫu nhiên không thu tiền. Biển số đẹp như ngũ linh, tứ quý, tam hoa, lộc phát, phát tài, số lộc... sẽ được đấu giá. Biển số theo ngày sinh, ngày cưới thì thu thêm lệ phí.
Không nên ép buộc khoán xe công
Chia sẻ nhiều băn khoăn quanh việc khoán xe công, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề dư luận rất quan tâm, sử dụng tốt giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, tuy nhiên dự thảo mới chỉ nêu vấn đề, chưa quy định rõ khoán xe là bắt buộc hay tự nguyện.
“Theo tôi chỉ nên tự nguyện, không nên bắt buộc. Các Nghị quyết của QH về ngân sách cũng chỉ nêu từng bước áp dụng cơ chế khoán xe công”, bà Mai nêu.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Hoàng Anh |
Ngoài ra, bà Mai cũng góp ý dự thảo nên xác định rõ chức danh nào được khoán, mức khoán theo km hay khoán hàng tháng, thẩm quyền khoán do Bộ Tài Chính hay các cơ quan chủ động...
Đối với vấn đề khoán nhà công vụ, ĐB Mai lưu ý phải dụng thận trọng khi thành chủ tưởng lớn bởi các cơ quan xây dựng trụ sở tương đối đầy đủ, nếu khoán nhà công vụ thì ngân sách hàng năm sẽ phải chi một số tiền không nhỏ.
Riêng vấn đề khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, bà Mai góp ý không nên cho thuê hội trường, phương tiện vận tải khi chưa sử dụng hết công suất vì về bản chất đây chính là thuê tài sản.
Khi đó, nhiều cơ quan tổ chức sẽ lợi dụng để kinh doanh thu lợi nhuận. Theo đó, nếu dùng không hết công suất có thể điều chuyển cho các cơ quan khác.
ĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) cho biết, thực tế tình trạng thuê tài sản công vẫn diễn ra nhưng chưa có quy định cụ thể.
Do đó cần có chế tài giám sát, tránh tình trạng khai báo thêm về nhu cầu sử dụng để cho thuê trục lợi.
Thúy Hạnh