Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Bộ GTVT cho biết quy định hiện hành buộc giáo viên dạy lái xe phải có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp 4 hoặc trung cấp nghề hoặc trung cấp trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nghề giảng dạy hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy. Tuy nhiên, hệ thống nghề đào tạo quốc gia hiện nay có rất ít ngành nghề có chuyên ngành phù hợp với nghề đào tạo lái xe ô tô.

Với quy định trên, Bộ GTVT khẳng định gây khó cho việc tuyển dụng giáo viên dạy nghề lái xe, nên cần được xem xét sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất điều kiện đối với giáo viên dạy lái xe chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên. Giáo viên phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 3 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 5 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển.

bang-lai-xe-17.jpg
Bộ GTVT đề xuất giáo viên dạy lái xe chỉ cần tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa: Anh Hùng) 

Thêm vào đó, giáo viên phải có 50.000km lái xe an toàn trở lên; Có chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 1, hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp hoặc tương đương trở lên.

Đối với giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên.

Giáo viên dạy môn kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.

Về điều kiện xe tập lái, theo Bộ GTVT, toàn quốc hiện có xấp xỉ 41.000 xe (xe tập lái hạng B chiếm 80% tổng số xe tập lái và xấp xỉ 4.300 xe sát hạch, trong đó xe sát hạch hạng B chiếm 90% tổng số xe sát hạch).

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định về niên hạn sử dụng đối với xe tập lái và xe sát hạch hạng C có niên hạn sử dụng không quá 25 năm; xe tập lái và xe sát hạch hạng D và E có niên hạn sử dụng không quá 20 năm.

Bộ GTVT cho rằng, hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nên cần xem xét quy định niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch hạng B để đảm bảo tính đồng nhất.

Việc bổ sung niên hạn xe tập lái và xe sát hạch nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông đường bộ nói chung, nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe.