Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trên mọi lĩnh vực, hướng tới xây dựng nền kinh tế số, xã hội số hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của tiến trình này.

Chính sách mới thu hút nhân tài cho chuyển đổi số

Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ chuyên trách trong lĩnh vực chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, Bộ Nội vụ đang đề xuất xây dựng Nghị định quy định mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng cho người làm công tác chuyên trách. Mức hỗ trợ này tương đương 0,7 lần mức lương bậc 1 của ngạch chuyên viên, được kỳ vọng sẽ tạo động lực to lớn, thu hút và giữ chân nhân tài cho lĩnh vực then chốt này.

an ninh mạng.jpeg
Đội ngũ chuyên trách trong lĩnh vực chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng được đề xuất hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng.

Người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn mạng, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm vị trí việc làm chuyên trách về công nghệ thông tin (bao gồm: công nghiệp công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số); an toàn thông tin mạng hoặc an toàn thông tin; giao dịch điện tử theo quy định về vị trí việc làm chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm chuyên ngành của cơ quan có thẩm quyền.

Đó là là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật thuộc Công an nhân dân; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân; người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đang phục vụ tại ngũ theo vị trí việc làm.

Đây là một bước đi thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia. Chính sách hỗ trợ này không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, mà còn là động lực để họ yên tâm công tác, phát huy năng lực, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Xây dựng Chính phủ số, phục vụ nhân dân

Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng viễn thông, nền kinh tế số đã được hình thành, phát triển ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

Công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là 3 hoạt động độc lập (điều chỉnh bởi Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018) nhưng có sự liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó "An toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số. An toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân. Đầu tư cho an toàn, an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị".

Việc ban hành chính sách hỗ trợ đội ngũ chuyên trách về chuyển đổi số cũng nằm trong lộ trình xây dựng Chính phủ số, hướng tới Chính phủ điện tử, từng bước hiện đại hóa nền hành chính quốc gia. Chính phủ số sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, tiện lợi, minh bạch.

Chính phủ xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc đầu tư cho nguồn nhân lực, ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời là những giải pháp quan trọng để bảo đảm thành công cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Với quyết tâm cao và những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ số hiệu quả, phục vụ nhân dân.