Bộ GD-ĐT đang xây dựng và xin ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11 tới đây, dự thảo Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Dự thảo Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong xây dựng và phát triển đội ngũ, bắt đầu từ những thay đổi trong quản lý nhà nước về nhà giáo.
Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Cụ thể, các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, bổ nhiệm nhà giáo.
Về thẩm quyền, theo dự thảo, nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng.
Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.
Thẩm quyền điều động, biệt phái giáo viên do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu thực hiện hoặc thực hiện theo phân cấp, ủy quyền.
Việc bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền.
Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà giáo và là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định. Đây cũng là các cơ quan ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, phương thức tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Nhà giáo cần được quản lý bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực?
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, mô hình quản lý nhà nước đối với nhà giáo hiện nay khiến bài toán về đội ngũ chưa có lời giải.
“Thực tế hiện nay, trong sự thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD-ĐT chỉ có quyền trong thống nhất quản lý về chuyên môn của giáo dục; Bộ Nội vụ thống nhất quản lý về nhân sự của giáo dục; Bộ Tài chính thống nhất quản lý về tài chính của giáo dục. Tức là, tuy Bộ GD-ĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền gì trong những quyết định liên quan đến 2 nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là tiền và con người”.
Theo ông Tiến, sự phân công trách nhiệm như vậy giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ trong quản lý nhà nước về nhà giáo là đặc trưng của mô hình quản lý nhân sự và cần thay đổi.
“Chính mô hình quản lý này là một trong những nguyên nhân khiến bài toán xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về quy mô đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Cần thay thế nó bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực. Trong đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và giao chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện. Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các bộ, UBND cấp tỉnh, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao”, ông Tiến đề xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu những nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo được triển khai, ngành giáo dục sẽ có sự chủ động hơn trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Bên cạnh đó, với việc được giao quyền chủ động như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục mới có thể thực hiện quản lý đội ngũ nhà giáo bằng chuyên môn, chất lượng, thay vì quản lý bằng các công cụ hành chính không phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của đối tượng này. Từ đó, giúp chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng của toàn bộ hệ thống giáo dục.
Ngoài ra, các quy định về quản lý nhà nước về nhà giáo được thiết kế trong dự án Luật Nhà giáo còn có thể giúp tháo gỡ nhiều bất cập hiện nay như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đối với các cấp học mầm non, phổ thông diễn ra nhiều năm nay,...