ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 cho khoảng 90.000 thí sinh dự thi:

Thí sinh tra cứu kết quả thi bằng cách truy cập vào tài khoản đã đăng ký trên hệ thống http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết kết quả phân tích 88.052 bài thi cho thấy điểm trung bình của thí sinh là 639,2 điểm, 152 thí sinh trên 1.000 điểm.

Thí sinh có điểm thi cao nhất là 1.091 điểm và thấp nhất là 238 điểm. Đánh giá về phổ điểm của đợt thi này, ông Chính nhận định: “Phổ điểm thi đợt 1 năm 2023 có dạng phân bố chuẩn và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho công tác xét tuyển”.

TS Nguyễn Quốc Chính lưu ý thêm, kết quả phân tích độ khó, độ phân biệt của đề thi Đánh giá năng lực đợt 1 cho thấy phù hợp với các giá trị theo thiết kế của đề thi. Dự kiến từ ngày 14/4, Giấy chứng nhận kết quả thi Đánh giá năng lực sẽ được gửi đến thí sinh qua đường bưu điện (gửi thư bảo đảm) tới địa chỉ liên lạc thí sinh đã đăng ký trước đó.

Kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 2 sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vào Chủ nhật 28/5 tại 4 địa phương: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi đợt 2 và đăng ký xét tuyển (chung cho cả 2 đợt) từ ngày 5-28/4.

Hiện, hơn 80 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển vào đại học. Trong đó, có 10 trường thành viên, khoa, viện của ĐH Quốc gia TP.HCM; 72 trường ĐH ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM; 5 trường cao đẳng trên địa bàn TP.HCM.

Phổ điểm

TS Nguyễn Quốc Chính khẳng định thêm, quan điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM rất rõ ràng, thi để đánh giá quá trình học của thí sinh, do vậy học quan trọng, thi không phải quan trọng.

“Đề thi đánh giá năng lực hỏi tổng quát rộng, đánh giá những năng lực cơ bản của thí sinh, nếu chúng ta công bố đề thi cuối giờ thi là đang cổ súy cho việc thi, chứ không phải cổ súy cho việc học. Xã hội sẽ quan tâm đến việc luyện đề hay những thủ thuật để giải đề tốt - đây không phải là chủ trương của ĐH Quốc gia TP.HCM. Chủ trương của ĐH Quốc gia TP.HCM coi kỳ thi rất nhẹ nhàng, thí sinh học là quan trọng nhất”.

Mặt khác, theo TS Chính, việc công bố đề không ảnh hưởng, không làm nâng cao chất lượng của kỳ thi, không làm nâng cao năng lực của thí sinh khi đi học. Ngược lại, làm cho xã hội hiểu nhầm rằng ĐH Quốc gia TP.HCM quan tâm đến kỳ thi chứ không phải việc học.

“Cho đến nay, chúng tôi vẫn kiên định như thế. Việc xã hội biết 120 câu hỏi đề thi đánh giá năng lực không có giá trị tốt về mặt phát triển học thuật, mà có tác dụng xấu làm định hướng đi luyện thi. Chúng tôi quan tâm đến chất lượng học tập chứ không phải thí sinh luyện thi như thế nào”.

Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng chia sẻ, hiện nay, ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM rất lớn, với trên 5.000 câu hỏi. Từ ngân hàng này nếu, mỗi đề thi 120 câu, số tổ hợp đề vô cùng lớn.

Mỗi năm, sau khi thi xong những câu hỏi đã thi không được sử dụng lại, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục bổ sung vào ngân hàng nhiều câu hỏi. “Do vậy, xác suất thí sinh luyện một số đề thi để hy vọng “trúng tủ” hoặc cách làm là vô cùng ít. Chúng tôi khuyên thí sinh không cần phải luyện thi”. 

Đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có gì?

Đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có gì?

Đề thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM đề cập đến tác phẩm Đất Nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, Sang thu của Hữu Thỉnh. Phần Toán học gồm các kiến thức về số phức, logarit, xác suất thống kê, tư duy logic…