Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Việt Nam đã và đang bắt nhịp theo xu hướng này với những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, do mặt bằng thu nhập và trình độ dân trí còn khác nhau, chi phí ban đầu cho hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt còn cao và đặc biệt là thói quen thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến nên để triển khai rộng khắp phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa nhu cầu sử dụng từ đó tạo chuyển biến, thay đổi thói quen người dùng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, TTKDTM tại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến ban đầu đáng ghi nhận.

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng máy rút tiền tự động (ATM) và máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao, phần lớn đều đã liên kết với các tổ chức, như các hãng vận tải, hàng không, siêu thị, trường học, bệnh viện.

Việc thực hiện giảm dần, tiến tới không dùng tiền mặt mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế số, cho người tiêu dùng, tiết kiệm rất nhiều về mặt thời gian và chi phí. Do đó, Chính phủ và ngành ngân hàng đã và đang áp dụng nhiều chính sách, biện pháp thúc đẩy thanh toán bằng các phương thức dựa trên công nghệ số.

Hiện nay, việc đi chợ, ăn uống hàng quán, mua bán... không cần tiền mặt mà chỉ với những tấm thẻ hay thậm chí chiếc điện thoại dùng để thanh toán rất phổ biến ở Việt Nam:

Không cần mang tiền mặt, khách hàng chỉ cần chiếc điện thoại quét mã QR là đã có thể thanh toán bữa ăn tại một cửa hàng bán bánh cuốn trên phố Nguyễn Ngọc Doãn (Hà Nội). 
Ngay cả các quầy bán hàng tự động hiện nay đều đã có thể quét mã thanh toán. 
Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã phổ biến phương thức thanh toán bằng quẹt thẻ từ những năm gần đây. 
Quét mã QR thanh toán tại một cửa hàng bán đồ ăn sáng.
Thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã phổ biến tại các cửa hàng thời trang. 

Tối 16/4, tại SVĐ Bách Khoa Hà Nội, Lễ hội 'Sóng Festival' - sự kiện chính của Ngày Thẻ Việt Nam lần 2 chính thức khai mạc. Chương trình do Báo Tiền Phong phối hợp với Công ty CP Thanh toán Quốc gia (Napas) thực hiện, có sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một bộ phận quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, trong đó TTKDTM mà bằng các phương thức dựa trên công nghệ số, là một trong các mũi nhọn. 
"Năm nay, Ngày thẻ Việt Nam lần thứ 2 với sự tham gia tài trợ và tham gia trực tiếp vào giới thiệu các dịch vụ, tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt của 20 ngân hàng và Cty đầu tư tài chính, gần 100 đơn vị doanh nghiệp cho thấy tác dụng to lớn cũng như sự lớn mạnh của sự kiện". 
Các bạn trẻ được tương tác, trải nghiệm các phương thức thanh toán mới như thanh toán chạm bằng thẻ chip contactless, thanh toán bằng mã VietQR trong mua hàng, sử dụng dịch vụ, đi xe buýt... Các bạn cũng được tìm hiểu kiến thức, tham gia các trò chơi liên quan đến sản phẩm, dịch vụ thanh toán tại các gian hàng. 
Sự kiện 'Sóng Festival' và các chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Tự tin mở lối" được đánh giá sẽ tiếp tục là một cú hích thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa góp phần thực hiện chủ trương lớn của nhà nước. Đặc biệt, sự kiện sẽ tiếp tục truyền tải, lan tỏa các thông điệp tích cực về sản phẩm, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đến các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước và toàn xã hội. 
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là thói quen tiêu dùng của người dân. Ngày nay, xu hướng giao dịch TTKDTM, thanh toán trực tuyến đã trở nên quen thuộc và thịnh hành, thay thế dần các phương thức thanh toán truyền thống.

Văn Điệp, Tuyết Nhung, Trà My, Thảo Hiền