Tại dự thảo mới nhất Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất nhiều hình thức xử lý với nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc.
Tăng mức phạt tiền, trừ hết điểm trên giấy phép lái xe với lỗi đi ngược chiều trên cao tốc
Cụ thể, dự thảo đề xuất nâng mức phạt tiền từ 16-18 triệu đang áp dụng lên 30-40 triệu đồng với ô tô đi ngược chiều, đi lùi trên cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
Ngoài ra, vẫn với lỗi vi phạm này, Bộ Công an đề xuất trừ toàn bộ 12 điểm trên giấy phép lái xe của tài xế.
Với hành vi dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, không báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo phía sau xe (với khoảng cách tối thiểu 150m) trong trường hợp xe gặp sự cố… thì bị phạt tiền từ 12-14 triệu đồng (hiện áp dụng từ 10-12 triệu đồng).
Bên cạnh đó, hành vi điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy phía trước khi chạy trên cao tốc, bị đề xuất mức phạt từ 4-6 triệu đồng.
Ủng hộ những đề xuất này, đặc biệt là việc trừ hết điểm trên giấy phép lái xe đối với tài xế đi ngược chiều, đi lùi trên cao tốc, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, ở dự thảo lần trước, mức trừ được nêu ra là 6 điểm, ông đã đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng nặng “kịch khung” (trừ hết 12 điểm).
Theo ông Tạo, hành vi chạy xe ngược chiều trên cao tốc là rất nguy hiểm. Đây được coi là hành vi nguy hiểm nhất trong các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Nó thể hiện thái độ coi thường tính mạng bản thân tài xế và người tham gia giao thông.
Lùi xe trên cao tốc, có nên phân biệt lỗi cố ý và không cố ý?
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, những lỗi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao cho xã hội và mang tính chất cố ý, cần trừ hết điểm giấy phép lái xe là hợp lý.
Tuy nhiên, cần phân biệt lỗi cố ý và không cố ý. Với những hành vi không phải cố ý, xảy ra trong hoàn cảnh nhất định, nên trừ điểm ở mức phù hợp.
Tức là mọi hành vi vi phạm đều phải có mức trừ điểm tương xứng để đủ sức răn đe, nhắc nhở người vi phạm giao thông phải chấp hành các quy định pháp luật về giao thông.
Đồng tình với quan điểm của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tài xế Nguyễn Văn Hạnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, có những trường hợp vừa đi vào cao tốc thì tài xế phát hiện đi nhầm đường, quan sát phía sau thời điểm đó không có xe, tài xế lùi lại để quay đầu. Nếu áp theo quy định này, ngoài việc vừa bị tăng nặng mức phạt tiền lại trừ hết điểm giấy phép lái xe, dường như quá nặng.
“Điều này đồng nghĩa với việc bắt buộc phải học lại, thi lại bằng lái sẽ gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho tài xế. Do đó, tôi cho rằng, nếu mắc lỗi không cố ý thì có thể xem xét phạt nặng, có trừ điểm nhưng không phải hết 12 điểm trên giấy phép lái xe”, tài xế Hạnh đề xuất.
Theo báo cáo Ủy ban ATGT Quốc gia, tai nạn giao thông trên cao tốc chiếm khoảng 1% tổng số vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc. Tuy nhiên, phần lớn vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc đều gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Thống kê trong 7 tháng đầu năm 2024, các tuyến đường bộ cao tốc trên toàn quốc xảy ra 112 vụ tai nạn giao thông, làm 46 người chết và bị thương 82 người. Trong đó những vụ tai nạn kể trên, có 57,14% số vụ xảy ra trong khoảng thời gian từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau.
Nguyên nhân một phần do lái xe chủ quan, thiếu chú ý quan sát và không giữ khoảng cách an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc.