Điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm "tăng vùn vụt"

Năm nay, điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - ngôi trường danh tiếng trong lĩnh vực đào tạo giáo viên - là 28,5, và hai ngành có cùng mức điểm chuẩn này là Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn (khối C).

Bên cạnh đó, nhiều ngành Sư phạm khác của trường cũng có điểm chuẩn cao như Sư phạm Hoá 26 điểm, Sư phạm Toán 27,5 và 27,7…Dù mức này không biến động nhiều so với năm ngoái nhưng thí sinh phải đạt trên 8,5 điểm mới trúng tuyển. Các ngành Sư phạm còn lại có mức điểm từ 24 đến 25.
 
Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, theo thang điểm 40, ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất với 38,67/40 điểm. Bên cạnh đó ngành sư phạm Ngữ văn có mức điểm chuẩn 37,17.
 
Một "ngôi sao" trong các trường, khoa sư phạm năm nay là Trường ĐH Hồng Đức, với ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Sư phạm Lịch sử chất lượng cao có điểm chuẩn 39,92 điểm (thang 40). Nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
 
Ngành Sư phạm Lịch sử của trường có điểm chuẩn là 29,75 điểm (thang điểm 30) - trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt gần 9,92 điểm mới trúng tuyển. Ngành Sư phạm Địa lý cũng có điểm chuẩn 27,5 (thang điểm 30)...

Học sinh đầu năm học mới (Ảnh: Hoàng Hà)

Còn tại TP.HCM, hai trường đào tạo sư phạm hàng đầu là Trường ĐH Sài GònTrường ĐH Sư phạm TP.HCM điểm chuẩn các ngành sư phạm cũng rất cao.

Ở Trường ĐH Sài Gòn, điểm chuẩn Sư phạm Toán là 27,33, Sư phạm Hoá 26,28, Sư phạm Ngữ văn 26,81, Sư phạm Lịch sử 26,50…
 
Trong khi đó, ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT, điểm trúng tuyển các ngành dao động trong khoản từ 22,75 đến 29,75. Trong đó, ngành Sư phạm Toán học và Sư phạm Hóa học đều có mức điểm trúng tuyển là 29,75, Sư phạm Ngữ văn 28,93, Sư phạm Lịch sử 28,08, Sư phạm Địa lý 27,92, Sư phạm Sinh học 28,70…

Mức điểm trúng tuyển của các ngành trong trường đều tăng nhẹ (trong khoảng 1 điểm) so với mức điểm trúng tuyển của năm 2021.
 
Đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm trúng tuyển các ngành dao động trong khoảng từ 20,03 đến 28,25, trong đó ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Ngữ văn với mức điểm là 28,25; Sư phạm Toán 27; Sư phạm Lịch sử 26,83; Sư phạm Hoá học 27,35; Sư phạm Toán 27; Sư phạm Địa lý 26,50…

Có mức điểm một số ngành sư phạm biến động mạnh nhất năm nay là Trường ĐH Quy Nhơn. Cả 6 ngành Sư phạm của trường gồm Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Toán, Sư phạm Hoá, Sư phạm Vật lý đều có điểm chuẩn 28,5 - tăng từ 5,5 đến 9,5 điểm so với năm 2021. 

Ngành Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH An Giang có điểm chuẩn tăng hơn 6,5 điểm so với năm trước, đạt mức 26,5. Điểm chuẩn ngành này tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế cũng tăng tới 6 điểm so với năm 2021, từ 19 lên 25...

Nghề giáo lại trở nên hấp dẫn?

Năm 2021, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) từng gây choáng khi thí sinh có điểm tuyệt đối 30 vẫn trượt. Lý do là ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao có điểm chuẩn lên đến 30,5. Ngành Sư phạm Lịch sử chất lượng cao của trường cũng có điểm chuẩn lên đến 29,75 và đây là mức điểm chuẩn chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh ngành này. Năm nay, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Hồng Đức cũng 29,75.

Theo ông Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường - nguyên nhân các ngành sư phạm có điểm chuẩn cao là do chính sách cộng điểm ưu tiên khuyến khích khu vực tương đối cao.

“Danh sách điểm trúng tuyển của nhà trường chưa có thí sinh nào đạt 3 điểm 10, nhưng do có cả các điểm cộng ưu tiên nên có điểm 39,92" - ông Dũng thông tin.

Cũng theo ông Dũng, từ năm 2018, Trường ĐH Hồng Đức đặt ra đề án đào tạo chất lượng cao ngành sư phạm theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và được Bộ GD-ĐT công nhận. Trong thời gian thực hiện vừa qua kết quả đào tạo rất tốt, chứng minh bằng việc các sinh viên theo học đánh giá về chương trình. Từ đó, tiếng thơm lan truyền cho các thế hệ học sinh sau này, nên thu hút được nhiều thí sinh giỏi tham gia.

Ngoài ra khi sinh viên tham gia các ngành đào tạo chất lượng cao của nhà trường thì được miễn phí tiền hỗ trợ ở ký túc xá, được ưu tiên xem xét trong tuyển dụng. Đặc biệt, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có nghị định 116 về hỗ trợ chế độ sinh hoạt phí cho đào tạo giáo viên, một sinh viên đi học ngành sư phạm được cấp 3.630.000 nghìn đồng/tháng.

Theo ông Dũng đó là những yếu tố trên là nguồn gốc sâu xa dẫn đến việc nhiều thí sinh có điểm thi cao đăng ký xét tuyển vào ngành nên điểm chuẩn rất cao.

Giáo viên và học sinh Hà Nội (Ảnh: Hoàng Hà)

Ông Phan Lê Quốc - Phó trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cùng nhận xét rằng những năm gần đây, điểm chuẩn sư phạm "kịch trần", thậm chí còn cao hơn y, dược cũng là điều dễ hiểu bởi có nhiều yếu tố tác động.

"Lý do thứ nhất là chỉ tiêu cho ngành sư phạm đã giảm xuống. Hàng năm, Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu ngành sư phạm cho các trường theo nhu cầu xã hội. Nhu cầu giảm thì chỉ tiêu ắt sẽ giảm.

Lý do thứ hai là những năm gần đây, có nhiều thông tin đến thí sinh về những ngành đào tạo giáo viên còn thiếu. Việc thiếu giáo viên rơi vào hai trường hợp, thứ nhất là thiếu giáo viên giỏi để đáp ứng cho trường chuyên hoặc những nơi có mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy. Trường hợp thứ hai là thiếu giáo viên cho môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Thí sinh nhận được những thông tin như vậy nên khi đạt điểm cao sẽ đăng ký vào học sư phạm để khi ra trường có cơ hội làm việc tốt hơn" - ông Quốc phân tích.

Lý do thứ ba - cũng như nhận xét của ông Dũng - ông Quốc cho rằng nhờ sự tác động của chính sách. "Hai năm nay, chính sách miễn học phí và cấp sinh hoạt phí cũng khiến những thí sinh học giỏi nhưng gia cảnh khó khăn mạnh dạn đăng ký xét tuyển sư phạm".

Và theo ông Quốc, điểm chuẩn sư phạm cao là tín hiệu tốt cho ngành giáo dục khi chọn được những thí sinh có chất lượng.

"Sàng lọc đầu vào tốt sẽ là một trong những yếu tố khiến đầu ra tốt hơn" - ông Quốc nhận định.

Lãnh đạo một trường đại học sư phạm ở phía Bắc cho hay, điểm chuẩn của trường năm nay quá cao, thậm chí có những ngành học, thí sinh phải có trên 9 điểm mỗi môn mới mong trúng tuyển.

Theo vị này, một phần nguyên nhân bởi kết quả thi tốt nghiệp THPT của năm nay cao hơn năm ngoái, đặc biệt ở tổ hợp khối C00 tăng đột biến.

Nguyên nhân thứ hai là năm nay các trường đưa ra quá nhiều phương thức tuyển sinh, kéo theo số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT bị ít đi.

Nguyên nhân thứ ba, theo vị này, chỉ tiêu năm nay của các trường đại học sư phạm đều giảm so với năm ngoái. Riêng trường vị này, năm nay số chỉ tiêu giảm khoảng 400-500 so năm ngoái.

Lý do là các tỉnh chưa đặt hàng theo Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm. Trong khi đó, chỉ tiêu các trường sư phạm do Bộ GD-ĐT giao dựa trên năng lực đào tạo, nhu cầu của các địa phương và cả nước.

"Nhiều tỉnh chưa mặn mà việc đặt hàng đào tạo giáo viên bởi thực tế còn nhiều bất cập, phức tạp về mặt chính sách. Giờ đặt hàng, sau có khi phải lo đầu ra” - vị này nói.

Vị này lấy ví dụ việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 nhưng việc tuyển dụng giáo viên công lập lại theo Nghị định 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Do đó, không có gì đảm bảo rằng những sinh viên được đào tạo theo Nghị định 116 sẽ được tuyển vì tuyển dụng phải qua thi tuyển công bằng cho mọi ứng viên. Nếu những sinh viên đó không được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp sẽ dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp.

“Như trường chúng tôi, năm ngoái, ban đầu có 2 tỉnh đặt hàng nhưng rồi cuối cùng 1 tỉnh bỏ, còn lại 1 tỉnh đặt hàng vài chục chỉ tiêu. Nhưng năm nay, đến nay chưa có tỉnh nào đặt hàng. Song đó không phải câu chuyện của riêng chúng tôi, mà hầu như trường sư phạm nào cũng vậy”.

Vị này cũng cho hay, với tình trạng điểm chuẩn cao như năm nay, ở mùa tuyển sinh năm 2023, trường sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển bởi phương thức tuyển sinh riêng như đánh giá năng lực... thay vì đặt niềm tin vào phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường cũng dự kiến sang năm sẽ bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT bởi độ tin tưởng vào đánh giá không đáng tin cậy.

Thanh Hùng ghi

Điểm chuẩn Trường ĐH Hồng Đức ‘chạm nóc’ 40

Điểm chuẩn Trường ĐH Hồng Đức ‘chạm nóc’ 40

Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) vừa công bố điểm trúng tuyển đại học hệ chính quy năm 2022 theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là gần 40 điểm.