Các lực lượng Mỹ và Anh đã phóng tên lửa và ném bom vào các mục tiêu ở Yemen từ trên không và trên biển vào đêm 11/1. Dưới đây là những loại vũ khí được quân đội 2 nước sử dụng để tập kích nhóm Houthi, theo thống kê của CNN.

tomahawk.jpg
Tàu khu trục Mỹ USS Barry phóng tên lửa Tomahawk trong chiến dịch Bình minh Odyssey ngày 29/3/2011. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tên lửa Tomahawk

Tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk của Hải quân Mỹ là tên lửa hành trình bay thấp, có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng hơn 450kg bay hàng trăm cây số vào đất liền.

Theo thông tin của Hải quân Mỹ, Tomahawk được phóng từ tàu nổi trên mặt nước hoặc tàu ngầm. Tên lửa này bay với tốc độ cận âm trên các tuyến đường “lẩn tránh” hoặc phi tuyến tính nhằm qua mặt các hệ thống phòng không của đối phương.

Các tên lửa Tomahawk có độ chính xác cao và được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS, nên chúng có thể thay đổi mục tiêu hoặc lộ trình sau khi phóng tùy theo nhu cầu. Cũng theo Hải quân Mỹ, tên lửa này “có khả năng di chuyển trên khu vực mục tiêu để đáp trả các mục tiêu mới xuất hiện hoặc thông qua camera tích hợp, cung cấp thông tin thiệt hại trong giao tranh cho các chỉ huy chiến đấu”.

Mỹ sử dụng Tomahawk lần đầu tiên trong chiến đấu vào năm 1991, trong chiến dịch Bão táp sa mạc chống chính quyền của Tổng thống Iraq lúc bấy giờ Saddam Hussein. Kể từ đó, tên lửa đã được sử dụng trong một số cuộc xung đột khác.

uss florida.jpg
Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Florida của Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Florida

Tàu ngầm USS Florida là một trong 4 tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường (SSGN) chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ. Theo nhà chức trách, USS Florida cùng USS Ohio, USS Michigan và USS Georgia là các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio được chuyển đổi thành tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường trong giai đoạn 2005 - 2007.

Kích thước tương đối lớn của USS Florida cho phép tàu ngầm mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk, nhiều hơn 50% so với các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường và gần gấp 4 lần so với các tàu ngầm tấn công mới nhất của Hải quân Mỹ.

Bradley Martin, cựu thuyền trưởng nay là chuyên gia nghiên cứu hải quân tại viện tư vấn RAND Corp nói, mặc dù quân đội Mỹ có thể tập hợp số lượng tàu khu trục lớn hơn để mang được nhiều tên lửa hơn, nhưng các SSGN như tàu ngầm USS Florida vẫn là nền tảng riêng lẻ, khó bị phát hiện và mang được nhiều tên lửa nhất.

Tầm quan trọng của hỏa lực được thể hiện vào tháng 3/2011, khi tàu USS Florida bắn gần 100 quả Tomahawk vào các mục tiêu ở Libya trong chiến dịch Bình minh Odyssey. Cuộc tấn công đó đánh dấu lần đầu tiên Mỹ sử dụng SSGN trong chiến đấu.

USS Florida vận hành nhờ một lò phản ứng hạt nhân cung cấp hơi nước cho hai tua-bin làm quay chân vịt của tàu ngầm. Hải quân Mỹ đánh giá phạm vi hoạt động của tàu ngầm này là “không giới hạn”. Khả năng lặn sâu dưới nước của USS Florida chỉ bị hạn chế vì nhu cầu bổ sung nguồn cung thực phẩm cho thủy thủ đoàn.

uss fitzgeral.jpg
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Mỹ USS Fitzgerald. Ảnh: Reuters

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ

Lầu Năm Góc cho biết, ngoài USS Florida, các tàu nổi trên mặt nước của Mỹ cũng phóng tên lửa Tomahawk tấn công lực lượng Houthi. Xương sống của hạm đội mặt nước của Hải quân Mỹ là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, với gần 70 chiếc đang hoạt động.

Các tàu khu trục lớp Burke có lượng giãn nước lên tới 9.700 tấn và có thể mang theo nhiều loại vũ khí, cả phòng thủ và tấn công. Chúng sử dụng Hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) để Tomahawk. Mỗi tàu khu trục được trang bị 90 - 96 ô VLS, tùy thuộc vào thời điểm chế tạo.

Lầu Năm Góc không tiết lộ cụ thể tàu khu trục nào đã tham gia cuộc tấn công vào Yemen, nhưng một số chiến hạm của Mỹ đã có mặt ở Biển Đỏ trong 2 tháng qua để bảo vệ các tàu thương mại trước sự tập kích của Houthi bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa.

typhoon.jpg
Máy bay chiến đấu Typhoon của Anh. Ảnh: Kyodo

Máy bay chiến đấu Typhoon của Anh

Typhoon, mẫu máy bay chiến đấu 2 động cơ và chỉ có một phi công điều khiển, là trụ cột trong đội bay của Không quân Hoàng gia Anh. Theo thông tin của Không quân Anh, chiến đấu cơ này có thể đạt vận tốc bay tối đa tới Mach 1,8 (hơn 2.200 km/h) và lên tới độ cao 16,7km so với mặt đất.

Typhoon do nhiều công ty quốc phòng phối hợp phát triển nhằm cung cấp cho các nước NATO một máy bay chiến đấu đa năng. Chúng cũng là khí tài mạnh mẽ, có khả năng mang nhiều loại tên lửa không đối không, không đối đất cũng như bom dẫn đường chính xác.

Bộ Quốc phòng Anh tiết lộ, 4 chiếc Typhoon tham gia cuộc tấn công vào các mục tiêu của Houthi đã sử dụng bom Paveway IV mang đầu đạn nặng 227kg. Paveway IV có các vây đuôi giúp dẫn đường đến mục tiêu, dựa trên hướng mà vũ khí nhận được từ việc đánh dấu bằng laser hoặc định vị GPS.

Các chiến đấu cơ Typhoon của Anh được một máy bay tiếp nhiên liệu trên không Voyager hỗ trợ, cho chúng bay được quãng đường xa hơn. Nhà chức trách Anh không cho biết chúng cất cánh từ đâu. Tuy nhiên, một đoạn video do Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps đăng tải cho thấy, một chiếc Typhoon đã cất cánh từ đường băng trên đất liền vào ban đêm.

>> Đọc tin quân sự thế giới trên báo VietNamNet