Sau 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4-10-2002, của Chính phủ, về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn luôn đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với phương châm “thấu hiểu người dân, tận tình phục vụ”. Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho hàng chục nghìn hộ thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Lạng Sơn.

Từ 3 chương trình cho vay, đến nay đã có 17 chương trình cho vay ưu đãi với tổng dư nợ gần 4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 19 lần so với năm 2002, hiện toàn tỉnh có 65.989 hộ còn dư nợ; doanh số cho vay 20 năm đạt hơn 11.352 tỷ đồng với hơn 470 nghìn lượt hộ được vay vốn.

Một dấu ấn đậm nét là nguồn vốn chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tại nhiều xã, tỷ lệ giảm nghèo nhanh không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, mà còn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Nhiều gia đình đã có được ngôi nhà khang trang nhờ nguồn tín dụng vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, hầu hết các hộ khó khăn trước đây, nhờ vay vốn tín dung ưu đãi cho người nghèo phát triển kinh tế, nay đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp sửa chữa, cải tạo, xây dựng 7,9 nghìn ngôi nhà. Trong 20 năm qua, vốn cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giúp gần 45 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lạng Sơn bình quân hằng năm trên 3%; tạo việc làm cho hơn 28 nghìn lao động.

Làm thủ tục cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn tại điểm giao dịch thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, Lạng Sơn.
 Nhờ vốn vay chương trình giải quyết việc làm gia đình chị Nông Thị Yến, ở thị trấn Văn Quan có điều kiện đầu tư nuôi cá lồng trên sông cho hiệu quả tốt. 
Gia đình anh Phùng Văn Hội, dân tộc Nùng ở xã An Sơn, huyện Văn Quan, Lạng Sơn vay 100 triệu đồng chương trình hộ nghèo đầu tư cải tạo vườn đồi trồng cây hồi, chăn nuôi bò, gia đình có việc làm, tăng thu nhập.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, trường mầm non Tuổi thần tiên ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn được vay chương trình hỗ trợ trả lương cho người lao động bị ngừng việc, nhờ đó giáo viên nhà trường có thu nhập yên tâm công tác.
 Gia đình chị Hoàng Thị Hoài, dân tộc Tày ở xã An Sơn, huyện Văn Quan vay vốn chương trình hộ nghèo đầu tư máy xay xát, trồng hồi, gia đình có việc làm, tăng thu nhập, có cơ hội thoát nghèo.  
Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình bà Triệu Thị Hoạt, dân tộc Nùng ở thôn Bình Đán B, xã An Sơn, huyện Văn Quan có điều kiện chăn nuôi đàn trâu 5 con, mở rộng diện tích trồng màu cho thu hoạch tốt.  
Được hỗ trợ vốn vay trả lương ngừng việc do ảnh hưởng dịch COVID-19, Công ty cổ phần Tân Minh xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Văn Quan có điều kiện đảm bảo việc làm cho 15 lao động.
Nhờ vốn vay 400 triệu đồng chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, gia đình anh Hà Quốc Quân ở thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan có điều kiện xây ngôi nhà mới khang trang.
Để những bản, làng ở tỉnh Lạng Sơn có những màu xanh hy vọng, những con đường bê tông bằng phẳng ngoài sự vào cuộc của các cấp, rất cần những nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Anh Phương, Tuấn Anh, Văn Quý, Duy Linh, Thu Huyền, Bích Hạnh