Mặc dù thế giới bất ngờ phải đối mặt với thảm họa từ đại dịch Covid-19 vào năm 2020, tốc độ đổi mới và áp dụng công nghệ đã tăng tốc đáng kể, đặc biệt là ở các thị trường ngành dọc quan trọng. Chúng ta hiện đang xem xét các tùy chọn mới có thể cho phép chúng ta trở nên tốt hơn, thông minh hơn và nhanh hơn. Ở góc độ kỹ thuật, những tiến bộ này được thúc đẩy bởi các công nghệ tiên tiến trong đó có AI.
Điều gì thúc đẩy sự thống trị của AI trong năm 2021? |
Năm 1956, tại một hội nghị ở Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ), lần đầu tiên thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” ra đời, AI đã đạt được những bước tiến đáng kể trong khoảng thời gian 65 năm qua. Nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan đến AI đã được thực hiện ở cấp độ cao hơn.
Liên quan đến những lợi ích mà AI mang lại cho doanh nghiệp, Anand Rao, người đứng đầu lĩnh vực AI toàn cầu tại công ty kiểm toán PwC cho biết: “Nghiên cứu về AI mới nhất của chúng tôi cho thấy 86% doanh nghiệp hiện đang gặt hái được những lợi ích từ trải nghiệm khách hàng tốt hơn thông qua AI và 25% công ty áp dụng rộng rãi AI trong công việc kỳ vọng công nghệ này sẽ mang lại doanh thu tăng lên trong năm 2021”.
Các xu hướng AI hàng đầu trong năm 2021
Về cơ bản, AI được sử dụng để tăng hiệu quả hoạt động và có thể được tận dụng để cải thiện trải nghiệm của các bên liên quan. Theo dự báo của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets thì thị trường AI toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 190,61 tỷ USD vào năm 2025. Dựa trên các nguồn lực khác nhau, dưới đây là một số xu hướng sẽ thúc đẩy sự thống trị của AI trong năm 2021:
Xe tự lái
Một báo cáo của PolicyAdvice dự báo rằng có khoảng 33 triệu xe tự lái sẽ xuất hiện vào năm 2040. Xe tự lái sử dụng kết hợp các cảm biến, camera, radar và AI để di chuyển giữa các vị trí mà không cần người điều khiển.
Thử nghiệm xe tự lái của Google |
Công ty phát triển công nghệ xe tự lái Waymo của Hoa Kỳ được biết đến là công ty tiên phong trong cuộc đua về xe tự lái. Dịch vụ robotaxi của hãng Waymo One đã thực hiện hơn 100.000 chuyến đi vào năm 2020. Ngoài ra, về chức năng lái tự động trên xe, Tesla từ lâu đã là hãng tiên phong, thậm chí còn đặt tên cho thiết bị của họ là “Autopilot” (tính năng tự lái).
Trong cuộc cách mạng hóa ngành giao thông vận tải, nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc còn hợp tác với nhiều nhà sản xuất ô tô khác nhau trong việc chế tạo các phương tiện tự lái. Không sớm thì muộn, xe tự lái sẽ là một xu hướng phổ biến trên đường phố khi AI trở nên đáng tin cậy hơn cho các hoạt động của phương tiện.
Điện toán lượng tử
Điện toán lượng tử và AI đều có khả năng biến đổi. Để đạt được tiến bộ đáng kể trong việc áp dụng, AI và điện toán lượng tử nên hoạt động song song với nhau. Và tại sao bây giờ điện toán lượng tử lại trở nên quan trọng?
Một ví dụ cho thấy, điện toán lượng tử có thể thúc đẩy sự phát triển các loại dược phẩm để cứu sống con người, các phương pháp máy học để chẩn đoán bệnh sớm hơn và các vật liệu để tạo ra các thiết bị và cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn.
Theo Frank Feather, Giám đốc điều hành tại công ty chuyên nghiên cứu về AI - AI-FUTURE Inc cho rằng, điện toán lượng tử sẽ mở rộng quy mô nhanh chóng vào năm 2021 và sẽ bắt đầu biến AI thành một 'trí thông minh tiên tiến' thực sự. Theo đó, các ứng dụng AI như máy học (ML) và thị giác máy tính sẽ được tăng tốc nếu chạy trên hệ thống lượng tử. Điều này đồng nghĩa với việc phân tích dữ liệu nhanh hơn trong các lĩnh vực như phát hiện gian lận và phát hiện hợp chất ma túy.
Internet vạn vật (IoT)
Carmen Fontana, một thành viên của Viện các kỹ sư điện và điện tử (IEEE), đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu về công nghệ đám mây và các công nghệ mới nổi khác tại công ty tư vấn Centric Consulting cho biết: “Mọi thứ sẽ không như trước. Nhu cầu về khả năng tương tác cao hơn khi các tổ chức tìm cách triển khai các giải pháp kết hợp”.
Và để cung cấp sức mạnh cho các giải pháp này chính là AI và IoT. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều thiết bị được kết nối, việc sử dụng dữ liệu và thông tin một cách thông minh là rất cần thiết.
Khi AI được kết hợp với IoT, việc mô phỏng hành vi thông minh có thể được thực hiện để đưa ra các quyết định sáng suốt mà không bị tác động bởi các yếu tố con người. Do đó, sự đổi mới song song của cả AI và IoT mang lại năng suất và độ chính xác cao hơn. Sau đó, nó có thể đạt được sự chấp nhận hàng loạt khi AI trở nên thông minh và mạnh mẽ hơn khi xử lý các biến khác nhau trong các thiết bị.
Điện toán đám mây
Theo dự báo của công ty chuyên cung cấp các giải pháp thông minh Tractica (Hoa Kỳ), AI sẽ chiếm tới 50% tổng doanh thu từ các dịch vụ đám mây công cộng vào năm 2025. Trong cuộc sống hàng ngày, những người sử dụng các trợ lý kỹ thuật số như Siri, Google Home và Amazon Alexa có thể không nhận ra rằng họ đang sử dụng AI và điện toán đám mây cùng nhau.
Không thể phủ nhận rằng theo nhiều cách, AI và điện toán đám mây tạo nên sự kết hợp hoàn hảo cho sự đổi mới theo hướng dữ liệu. Đặc biệt là trong một thế giới mà dữ liệu chính là tiền, khả năng nhận thức của AI và học máy phát triển mạnh, có thể mở rộng và có thể truy cập nhanh chóng trong môi trường đám mây.
Về góc độ kinh doanh, các khả năng của AI đang hoạt động trong môi trường điện toán đám mây để giúp các tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, có chiến lược và định hướng sâu sắc hơn. Với ngày càng nhiều công ty áp dụng các giải pháp dựa trên đám mây, nhiều công ty sẽ áp dụng AI để tạo ra các sản phẩm thông minh hơn và chính xác hơn.
Xử lý ngôn ngữ tự nhiên
Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP: Natural Language Processing) là tương lai của kinh doanh thông minh. Là một công nghệ mang tính cách mạng trong lĩnh vực AI, đến năm 2025, thị trường NLP toàn cầu dự kiến sẽ đạt trên 34 tỷ USD. Cụ thể, công nghệ này cho phép giao tiếp qua giọng nói, văn bản và tin nhắn.
Trong số các ứng dụng được sử dụng rộng rãi của nó bao gồm công nghệ chatbot, nhận dạng giọng nói, bộ lọc thư rác và dịch tự động. Cùng với đó, NLP có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm tuyển dụng, quảng cáo, dịch vụ khách hàng, chăm sóc sức khỏe, cũng như thị trường thông minh.
Cùng với sự gia tăng trong việc sử dụng thiết bị thông minh và áp dụng các giải pháp hỗ trợ đám mây, các ứng dụng dựa trên NLP dự kiến sẽ phát huy hết tiềm năng của nó trong những năm tới. Khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, không gian NLP vẫn là xương sống của AI.
Những xu hướng này dự kiến sẽ thúc đẩy sự thống trị của AI vào năm 2021. Ngoài 5G, việc áp dụng AI là một trong những đột phá công nghệ được mong đợi nhất trong năm nay. Điều không thể tránh khỏi là các cỗ máy thông minh sẽ ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta để giúp cải thiện hiệu quả và nâng cao năng lực của con người.
Phan Văn Hòa (theo Telecomreview)
Trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến 'ý chí tự do' của con người
Trí tuệ nhân tạo đã thâm nhập vào mọi khía cạnh cuộc sống, chúng ta vừa tận hưởng những tiện ích mà nó mang lại nhưng lại lo bị nó ảnh hưởng đến “ý chí tự do”.