Tổng thống Putin gặp gỡ một số mẹ các binh sĩ đang tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: RT

Hãng tin RT dẫn lời ông Putin nói: "Lẽ ra đã không có nhiều dân thường thương vong như vậy, sẽ không có nhiều trẻ em thiệt mạng như vậy". Người đứng đầu nước Nga cho biết, năm 2014, Nga đã không hiểu đầy đủ về tình hình ở Donbass hoặc tình cảm thực sự của dân địa phương.

"Chúng tôi tin rằng vẫn có thể đi tới một thỏa thuận và... tái thống nhất Donestsk, Luhansk...với Ukraine... Thỏa thuận Minsk", Tổng thống Vladimir Putin cho biết và nói thêm Nga "thực sự đang nỗ lực hướng tới điều đó". Donetsk và Luhansk, hai tỉnh tạo nên vùng Donbass, Ukraine.

Bình luận thêm về vấn đề này, Tổng thống Putin nói cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev đã dẫn tới khủng hoảng ở Donbass và cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine. "Nếu không có cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014, thì những điều này đã không xảy ra". 

Thỏa thuận Minsk, do Đức và Pháp làm trung gian, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014, sau khi Tổng thống Ukraine khi đó là ông Viktor Yanukovich bị lật đổ. Sự kiện này đẩy Ukraine vào một cuộc xung đột giữa chính phủ hậu đảo chính ở Kiev với các tỉnh Donestk và Luhansk. Sau khi tự xưng là các nước cộng hòa độc lập, hai vùng này tuyên bố độc lập với Ukraine vào cùng năm. 

Các thỏa thuận được đưa ra để trao vị thế đặc biệt cho Donetsk và Luhansk trong khuôn khổ nhà nước Ukraine. Tuy nhiên, theo Nga, việc thực thi bị đình trệ và đó là do Ukraine. 

Tháng 2/2022, Kremlin công nhận Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập đồng thời yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố nước này là quốc gia trung lập, không bao giờ tham gia một khối quân sự phương Tây nào. Ngày 24/2, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với lý do Kiev không thực thi thỏa thuận Minsk. Vào thời điểm đó, Tổng thống Putin khẳng định cần phải mở chiến dịch để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở Donbass. 

Mùa thu năm nay, 4 lãnh thổ thuộc Ukraine là Cộng hòa Donetsk và Luhansk (tự xưng) cũng như Kherson, Zaporizhzhia đã tiến hành trưng cầu dân ý sáp nhập với Nga.