Từ chuyện Đình Bắc, Quốc Việt…

Ngày 12/7, vòng loại U21 Quốc gia chính thức khởi tranh ở 5 bảng đấu với 27 đội bóng trẻ của các CLB V-League, hạng Nhất hay trung tâm đào tạo.

Việc VFF vẫn tổ chức và duy trì được hệ thống thi đấu dành cho các cầu thủ trẻ trong đó có giải U21 Quốc gia rõ ràng là điều đáng mừng, bởi đây là sân chơi để tìm kiếm những gương mặt tài năng, bổ sung cho các đội U19 đến U23, thậm chí ĐTQG.

quocviet.jpeg
Năm 2021, Quốc Việt từng giành danh hiệu vua phá lưới VCK giải U21 Quốc gia. 3 năm sau, tiền đạo từng khoác áo U23 Việt Nam tiếp tục chinh chiến ở vòng loại giải U21. Ảnh: BTC

Cũng như thường lệ, giải U21 Quốc gia tiếp tục chào đón sự xuất hiện rất nhiều ngôi sao trẻ của bóng đá Việt Nam tham dự, thậm chí một vài ngôi sao từng khoác áo U23, ĐTQG cũng có mặt như Đình Bắc (Quảng Nam) hay Quốc Việt, Đức Việt (HAGL), Văn Trường (Hà Nội), Đinh Xuân Tiến (SLNA)… giúp vòng loại thêm đáng xem.

Nghịch lý của bóng đá Việt Nam

Về cơ bản, việc các cầu thủ trẻ đã thành danh quay trở lại khoác áo U21 tham dự vòng loại Quốc gia không sai về điều lệ, cũng như giúp giải đấu thêm hấp dẫn.

Nhưng, sòng phẳng mà nói sự góp mặt của những cầu thủ từng khoác áo ĐTQG hoặc U23 như Đình Bắc, Quốc Việt, Văn Trươngf chẳng hạn là một nghịch lý rất lớn mà bao năm qua bóng đá Việt Nam chưa thể thay đổi.

u23 viet nam uzbekistan 6.jpg
Nghịch lý ấy khiến bóng đá trẻ, hay tuyển Việt Nam ít khi sở hữu những cầu thủ mới tài năng. Ảnh: VFF

Ở những nền bóng đá phát triển, thậm chí trong khu vực với Thái Lan là một ví dụ, rất ít cầu thủ từng lên ĐTQG quay trở lại khoác áo những đội tuyển trẻ tham dự các giải đấu cấp thấp, trừ khi quan trọng như tranh vé giải châu lục hay Olympic chẳng hạn.

Việc từ chối tham dự các giải đấu không còn cùng đẳng cấp của các cầu thủ trẻ thành danh đồng nghĩa mở ra cơ hội cho người khác, và ngược lại khi những Đình Bắc, Quốc Việt xuất hiện, chẳng dễ để mất chỗ vì kinh nghiệm lẫn năng lực tốt hơn.

Các giải bóng đá chuyên nghiệp từng phải hạn chế suất đăng ký ngoại binh nhằm trao cơ hội cho người trẻ hòng nâng chất cho các ĐTQG. Thế nhưng rốt ở sân chơi được coi như ươm mầm ấy thì lắc đầu, khi phần lớn đều cố gắng dùng cầu thủ tốt, kinh nghiệm nhất dù từng khoác áo U23 Việt Nam hay tuyển Việt Nam chỉ vì thành tích.

Nghịch lý này, đáng buồn đã kéo dài tính bằng cả chục năm qua chứ chẳng ít. Thế nên mới dễ hiểu tại sao bóng đá Việt Nam hiếm khi nào sở hữu lứa cầu thủ kế cận, tài năng đông đảo, vì ngay ở sân chơi trẻ người trẻ còn không có đất mà chơi kia mà.