Trao đổi với VietNamNet, đại diện Phòng Y tế TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết đơn vị đã xác minh được cơ sở sản xuất chả lụa trong vụ nhiều người ngộ độc botulinum sau khi ăn bánh mì kẹp chả. 

Theo đó, cơ sở sản xuất chả lụa đóng trên địa bàn TP Thủ Đức và chỉ mới hoạt động hơn một tháng, không có giấy phép. Cơ sở này ngay lập tức bị đình chỉ hoạt động, cơ quan chức năng đã lấy mẫu chả lụa để đưa đi xét nghiệm, đang chờ kết quả.

“Chúng tôi sẽ công khai thông tin về kết quả điều tra vụ việc ngay trong đầu tuần sau”, người này chia sẻ. 

Bệnh nhân nhập viện vì yếu cơ, nôn ói, chóng mặt... sau một ngày ăn bánh mì kẹp chả lụa. Ảnh: BVCC.

Trước đó, 3 bệnh nhi được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM với các triệu chứng nôn ói, chóng mặt, yếu cơ... sau 1 ngày ăn bánh mì chả lụa của người bán dạo. Các bác sĩ thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc botulinum và truyền thuốc giải độc BAT ngay cho các em. Đến nay, vẫn còn 2 trẻ phải thở máy. 

Ngay sau đó, 3 bệnh nhân là người lớn cũng được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Hiện, 2 trường hợp phải thở máy. Kết quả cấy mẫu phân của bệnh nhân 45 tuổi ghi nhận có độc tố botulinum type A. Người này đã ăn một loại mắm để lâu ngày.

Trong khi đó, 2 bệnh nhân còn lại ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán rong, xuất hiện triệu chứng bất thường sau một ngày. Các bác sĩ cũng thống nhất chẩn đoán nghi nhiễm botulium. Tuy nhiên lúc này, Việt Nam đã cạn thuốc giải độc BAT - đây là thuốc giải độc đặc hiệu với botulinum, có giá khoảng 8.000 USD/lọ. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong các vụ việc trên, đặc tính chung của chả lụa là bắt đầu chảy nước. Loại chả này được bao bằng bao ni lông rất kín, khi mở ra đã chảy nước, mùi vị không bình thường.