Ba bệnh nhi ngộ độc botulinum là anh em ruột gồm N.V.H (14 tuổi), N.V.Đ (13 tuổi) và N.T.X (10 tuổi) cùng ngụ tại TP Thủ Đức, TP.HCM.

Khai thác thông tin ghi nhận, sáng 13/5, gia đình bệnh nhân (gồm dì và 3 anh em) đã mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Theo người nhà, giò lụa gia đình đã ăn được bọc trong 2 lớp nilon, 1 lớp lá chuối. 

Đến chiều cùng ngày, 4 người đều bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần. Tiếp đó, từ từ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau người. Ba trẻ nhỏ bị yếu cơ dần. 

Ngày 14/5, các em được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM trong tình trạng mệt lả. Em N.V.Đ (13 tuổi) có biểu hiện sụp mi, yếu 2 chân, sau đó suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy. Hai bé còn lại cùng bị sụp mi, yếu dần tứ chi, sức cơ khoảng 4/5.

Một bệnh nhi trong vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn giò lụa. Ảnh: BVCC.

Nghi ngờ các em bị ngộ độc, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mời bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ. Chiều 15/5, sau khi hội chẩn liên viện, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán nghi ngờ trẻ nhiễm độc botulinum do ăn giò lụa. 19h cùng ngày, các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với chẩn đoán ngộ độc botulinum. 

"Do không lưu mẫu thức ăn, không tìm nguồn gốc nên trong trường hợp này, chẩn đoán ngộ độc botulinum chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, diễn tiến bệnh, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng và loại trừ các bệnh lý khác", bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Thuận, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.

Theo các bác sĩ, nếu điều trị trễ, bệnh nhân ngộ độc botulinum sẽ dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp phải thở máy từ 3-6 tháng. Do tính chất cấp bách, bác sĩ quyết định điều trị sớm nhất có thể để tránh những biến chứng nặng xảy ra. 

Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức liên hệ với Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam để điều chuyển 2 lọ thuốc giải độc BAT. Đây là số thuốc còn lại sau đợt điều trị cho chùm ca ngộ độc sau ăn cá ủ muối chua vào tháng 3 tại Quảng Nam.

1h sáng ngày 16/5, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đón ê-kíp của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam vận chuyển thuốc BAT về thẳng Bệnh viện Nhi đồng 2. Rạng sáng, cả 3 trẻ đã được dùng thuốc BAT để giải độc botulinum.

Những lọ thuốc giải độc BAT cuối cùng được dùng cứu 3 trẻ ở TP.HCM. Ảnh: BVCC.

Các bé đều ổn định, không có biểu hiện bị phản vệ sau 1 giờ truyền thuốc giải độc. Đến sáng nay, tình hình đều ổn định. Ba bệnh nhi sẽ được tiếp tục theo dõi, khám và đánh giá tình trạng sức khỏe liên tục.

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã đề xuất cần có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia, do Bộ Y tế quản lý. Theo ông Thức, cho đến nay, việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc cần thuốc hiếm còn mang tính cá biệt.