Hội thảo “Định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số” được tổ chức sáng 22/3 tại Hà Nội. |
Hôm nay, ngày 22/3/2019, Văn phòng Chính phủ (VPCP) chủ trì, phối hợp cùng Bộ TT&TT, Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia tổ chức hội thảo “Định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số” tại Hà Nội.
Được chủ trì bởi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và Giám đốc Điều phối danh mục và Hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Achim Fock, hội thảo còn có sự tham dự của Tham tán Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Justin Baguley cùng các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Hội thảo nhằm chia sẻ về các mô hình định danh và xác thực điện tử đang được triển khai tại môt số quốc gia như Estonia, Singapore, Thái Lan, Đan Mạch, kinh nghiệm và các thách thức trong quá trình triển khai, đồng thời thảo luận về các giải pháp cũng như sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện khung thể chế cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, vấn đề định danh và xác thực điện tử đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử; hay nói cách khác việc xác định danh tính của mỗi cá nhân có một vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cá nhân đó với tên gọi, những đặc điểm riêng để phân biệt với người khác khi tham gia các giao dịch trong đời sống xã hội, nhất là khi chúng ta tiến tới nền kinh số.
Trong các hoạt động giao dịch truyền thống, danh tính của cá nhân được xác định thông qua tên gọi và các giấy tờ tùy thân do cơ quan nhà nước cung cấp. Trên môi trường điện tử, tương tự như vậy, mỗi tổ chức, cá nhân phải được định danh khi tham gia vào các giao dịch điện tử như thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử… để chứng minh rằng “tôi là tôi chứ không phải người khác”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị các Bộ:Công an, TT&TT khẩn trương hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức; quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu; định danh và xác thực điện tử. |
Bộ trưởng cho hay, thực tế tại Việt Nam, các cá nhân, tổ chức đã có trong tay nhiều mã số như: mã số bảo hiểm y tế (BHYT), mã số bảo hiểm xã hội (BHXH), mã số thuế, mã số người gửi tiền ngân hàng… “Trong khi chúng ta chưa có Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Dân cư, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là đề nghị các chuyên gia trong vào ngoài nước hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để có giải pháp xác thực định danh thông qua các mã số nêu trên, để có thể làm ngay, làm nhanh, không chờ phải có đầy đủ CSDL quốc gia về Dân cư...Chúng tôi mong muốn rằng trước mắt có thể sử dụng các mã số như mã số BHXH, mã số thuế… để xác thực định danh công dân”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, về thể chế, các dự thảo Nghị định để đảm bảo vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, việc chia sẻ dữ liệu cũng như đảm bảo vấn đề định danh, xác thực điện tử đang được triển khai xây dựng. “Việc nghiên cứu và bổ sung khung khổ pháp lý sẽ được sớm hoàn thiện”, Bộ trưởng khẳng định.
Ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối danh mục và Hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng nhấn mạnh xác thực và định danh điện tử là một trong những yếu tố rất quan trọng, tạo nền tảng cho việc xây dựng, phát triển Chính phủ số và nền kinh tế số.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà công nghệ số ngày càng phát triển. Tại Việt Nam, sau 10 năm, đã có hơn 60% dân số sử dụng Internet; điện thoại di động có ở khắp mọi nơi. Đây là những con số rất ấn tượng, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chuyển đổi cách cung cấp các dịch vụ. Vì thế, hệ thống định danh điện tử nếu xây dựng hợp lý có thể giúp tiết kiệm cho công dân, doanh nghiệp và chính phủ thông qua việc giảm chi phí giao dịch, nâng cao hơn nữa hiệu quả và đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ”, ông Achim Fock nói.
Nhận định song hành cùng cơ hội luôn có những thách thức và rủi ro, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Achim Fock đưa ra 3 khuyến nghị cho Việt Nam: trước hết, cần đảm bảo rằng các hệ thống ID (định danh) chức năng này là sạch và đáng tin cậy để chúng có thể cung cấp nền tảng cho việc hình thành một hệ sinh thái số về định danh và xác thực điện tử, đồng thời cần có sự hợp tác, tương tác giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực số trên chuẩn mực chung nhằm tránh sự trùng lặp hệ thống, giảm chi phí trong việc cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử.
Cùng với đó, yêu cầu bảo mật thông tin cá nhân phải đặt lên hàng đầu khi thực hiện định danh và xác thực số, việc tạo ra hệ sinh thái định danh số là cần thiết và cần phải được thực hiện cùng với việc tăng cường hơn nữa khung pháp lý cho việc bảo vệ dữ liệu. “Cuối cùng, hệ thống định danh và xác thực điện tử hiệu quả đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên có liên quan, được sử dụng có trách nhiệm vào việc áp dụng các chương trình ứng dụng công nghệ số”, ông Achim Fock nêu.
Ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia - Bộ TT&TT chia sẻ về định hướng xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức. |
Ở góc độ của WB, bà Samia Melhem-Trưởng nhóm kỹ thuật số, WB cho rằng, việc thành lập một eID (định danh điện tử) đáng tin cậy và an toàn là nền tảng cho sự phát triểncủa nền kinh tế số và chính phủ số hiệu quả. Theo bà, một vấn đề quan trọng cần phải có là khung pháp lý eID chung, với các quy định về định danh điện tử và dịch vụ ủy thác cho giao dịch điện tử; quyền riêng tư dữ liệu và quy định bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ; truy cập an toàn vào có sở dữ liệu ID, chứng nhận ISO cho an ninh mạng, theo dõi kiểm toán giao dịch…
Tại hội thảo, đại diện Bộ TT&TT-đơn vị được Chính phủ giao trách nhiệm xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) Lã Hoàng Trung đã chia sẻ định hướng xây dựng Nghị định này. Các đại biểu dự hội thảo cũng đã được nghe về kinh nghiệm của Thái Lan trong việc triển khai định danh và xác thực điện tử; đề xuất của Văn phòng Chính phủ về giải pháp xác thực định danh dự kiến sẽ triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia…