Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, giá SGK luôn là mối quan tâm chung của xã hội. 

Bà Hoa cho hay, Quốc hội mới đây đã thông qua Luật Giá, trong đó xác định SGK được bổ sung vào danh mục được Nhà nước định giá, có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo quy định của Luật Giá, SGK do Nhà nước định giá, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá, Bộ GD-ĐT quy định giá tối đa và các nhà xuất bản (NXB) sẽ tự quyết định giá cụ thể trong trần chung.

“Việc Nhà nước định giá SGK, đưa ra giá trần là đang hướng tới đối tượng hưởng lợi là người tiêu dùng, khi không phải chịu những bộ SGK ở mức giá quá cao. Còn đối với các NXB, tôi nghĩ nếu nhìn tổng thể, chắc chắn cũng không bất lợi. Bởi khi xác định mức trần giá SGK, các nhà xuất bản hẳn phải có tính toán nhất định để điều chỉnh các khâu làm sao đầu vào của quá trình biên soạn, phát hành SGK bảo đảm ở mức có thể chấp nhận được", bà Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, bên cạnh đó, nếu xác định trần giá SGK sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường, sẽ trao quyền quyết định giá bán cụ thể cho các NXB. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu những quy định của Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT được các NXB phân tích, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng sẽ có thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Lúc đó, việc định giá SGK không những không cản trở xã hội hóa mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thực hiện chủ trương xã hội hóa một cách đúng hướng.

mai hoa 2.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại tọa đàm do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều 5/4

Theo bà Hoa, vấn đề giá SGK luôn làm các nhà giáo dục đau đầu, phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ dư luận, phụ huynh về việc giảm giá. Khi có giá SGK hợp lý, chắc chắn mỗi năm học đến, ngành giáo dục không phải đối mặt với tác động từ dư luận xã hội về vấn đề này.

“Có lẽ chúng ta phải hướng tới việc không bị chi phối quá nhiều bởi việc sách giá cao hay thấp mà quan tâm nhiều hơn tới chất lượng SGK có bảo đảm để thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như chúng ta đặt ra hay không”, bà Hoa nói.

Ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT), cho hay, tuy Luật Giá chưa đến thời điểm có hiệu lực nhưng đến thời điểm này, cơ bản các NXB đã gửi bảng kê khai giá cho Bộ Tài chính để triển khai năm học 2024 - 2025.

Về phía Bộ GD-ĐT, hiện tại đang thảo luận với Bộ Tài chính về câu chuyện phối hợp, rà soát kê khai giá của NXB. “Về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc quy định giá trần SGK, ngay sau khi Luật Giá ban hành, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tuy nhiên, chuyên môn về giá hiện nay hoàn toàn đang ở phía Bộ Tài chính. Bộ GD-ĐT đã tham khảo Bộ Tài chính từ rất sớm, sau khi được Quốc hội giao quyền”, ông Đạm nói.

Ông Đạm cho hay, về phương pháp định giá, theo quy định của Luật Giá và chức năng nhiệm vụ thì Bộ Tài chính vẫn là cơ quan xây dựng phương pháp định giá nói chung, trong đó bao gồm giá SGK. 

Hiện, Bộ Tài chính đã cơ bản hoàn thiện Nghị định hướng dẫn Luật Giá và dự thảo thông tư về phương pháp định giá. Trong phương pháp định giá, nội dung nào đặc thù, có tính cá biệt trong chi phí để biên soạn, xuất bản, phát hành SGK, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho ý kiến và lấy ý kiến của các NXB cũng như đơn vị liên quan. 

“Trên cơ sở trao đổi với các cơ quan liên quan, chúng tôi đã có văn bản gửi NXB để đề nghị họ thông tin về giá hiện nay đang tính, với phương pháp trên cơ sở chi phí thực tế. Sau đó, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp, rà soát và có phương án cân đối lại từ thông tin của các NXB”, ông Đạm nói.

tran thanh dam.jpg
Ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT).

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, để kiểm soát giá sách giáo khoa vừa đảm bảo nhu cầu người học, phù hợp khả năng thanh toán song cũng phải khuyến khích được các nhà sản xuất để ra những sản phẩm tốt nhất, hướng dẫn thực hiện định giá của Bộ GD-ĐT tới đây sẽ mang một nhiệm vụ nặng nề, không đơn giản.

Theo ông Cường, để định giá được chính xác, việc đầu tiên là phải đánh giá, rà soát lại toàn bộ quy trình từ khâu đầu tiên là tổ chức biên soạn ra bản thảo SGK, sau đó triển khai thử nghiệm tại các trường, thẩm định, sửa chữa và bổ sung rồi tái thẩm định đến khi được phép in ấn và lưu hành. Tiếp đó là khâu in ấn sách và phát hành đến tay người học.

Trong mỗi khâu này, cần xác định rõ bao gồm những công việc gì, trong đó công việc gì phù hợp, công việc gì không. Việc xác định đơn giá, chi phí cho từng công việc đó cũng là một điều rất khó. 

Tuy nhiên, theo ông Cường, giá bán của SGK còn phụ thuộc vào yếu tố thứ hai là thị trường. Cùng một bộ SGK nhưng nếu số lượng người học đông, khiến một lần in rất nhiều bản, giá thành sẽ thấp. Một lần in mà số lượng sách nhỏ chắc chắn giá thành sẽ cao. 

Từ đánh giá thị trường kết hợp với chi phí sản xuất SGK, theo ông Cường sẽ lên được khung của giá cho từng loại sách ở từng cấp độ, chất lượng…

hoang van cuong.jpg
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, cũng cần tính đến lợi ích của các nhà sản xuất, họ cũng phải có lãi. “Chúng ta biết rằng, SGK là một mặt hàng tiêu dùng khá thiết yếu đối với người học và lại là một sản phẩm xã hội. Do vậy, không thể chạy theo mục tiêu là kinh doanh để kiếm lợi nhuận”

Ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) cũng đồng quan điểm quy mô số lượng sách phát hành khác nhau sẽ quy định giá trần cho phù hợp. 

Ông Đạm cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và kiểm soát giá trần theo hướng đúng, đủ, hài hòa lợi ích các bên. “Nếu xây dựng khách quan, phản ánh đúng và phù hợp với thị trường và điều kiện chi trả của người dân sẽ là biện pháp kiểm soát rất tốt. Bên cạnh đó, có thể kiểm soát hậu kiểm trên cơ sở phương pháp định giá chung và định giá trần”, ông Đạm nói.