Lần đầu cho Djokovic

Giữa đêm Paris 2/8 (rạng sáng 3/8, theo giờ Hà Nội), khung hình sau chiến thắng của Novak Djokovic trước Lorenzo Musetti (6-4 và 6-2, trong 1 giờ 51 phút) là điển hình của một trận chung kết, khi người chiến thắng nằm trên mặt sân đất nện ăn mừng.

Khán giả Pháp và thế giới đã quá quen những khoảnh khắc như vậy ở Philippe Chatrier, với chủ nhân Rafael Nadal, hay chỉ 2 tháng trước là Carlos Alcaraz.

Djokovic Musetti.jpg
Djokovic ăn mừng theo cách các nhà vô địch Roland Garros thường làm

Nhưng không, Nole chưa giành được gì cả sau trận thắng Musetti. Huyền thoại quần vợt người Serbia rất gần và cũng rất xa: HCV Olympic Paris 2024.

Djokovic trải dài trên mặt đất, chuẩn bị chiến đấu với nỗi khao khát kéo dài suốt 2 thập kỷ. Anh chỉ còn cách vinh quang một bước nữa.

Bên kia lưới, chiều Chủ nhật (khoảng 19h Hà Nội), sẽ là Alcaraz. Ở thời điểm này, chàng trai trẻ người Tây Ban Nha thực sự là thử thách khổng lồ dành cho nhà vô địch của các nhà vô địch. Nole khát khao chinh phục tấm HCV để lập kỷ lục vô song.

Chỉ có một tay vợt khép lại vòng tròn lớn. Andre Agassi, huyền thoại người Mỹ, vô địch cả 4 Grand Slam, đăng quang ATP Finals, nâng cao Davis Cup (giải đồng đội quốc tế) và chiếm lĩnh vòng nguyệt quế Olympic.

Djokovic đang có cơ hội để sánh ngang Agassi. Tuy nhiên, giữa anh và kết thúc hoàn hảo ấy có một trở ngại rất lớn: Alcaraz.

Chàng trai 21 tuổi đã làm lung lay tinh thần của Nole trong thời gian gần đây. Chính Alcaraz là người tước đoạt Djokovic cả 2 trận chung kết Wimbledon gần nhất.

Trận đấu năm ngoái ở London diễn ra cân bằng, trở thành một trong những trận chung kết hấp dẫn nhất. Hôm 14/7 vừa qua, nhà vô địch trẻ người Tây Ban Nha không gặp trở ngại nào.

Djokovic Olympic 2024.jpg
Lần đầu tiên Djokovic vào chung kết Olympic

Niềm tin và khát vọng

Trận thua toàn diện trước Alcaraz ở London chưa phai mờ, nhưng tại Paris 2024, theo như những gì chính Nole nói, câu chuyện có thể khác.

Bối cảnh khác, hoàn cảnh khác và một vấn đề cơ bản thậm chí còn mạnh mẽ hơn đối với Novak. Bởi vì anh nuôi dưỡng một nỗi ám ảnh không thể kiềm chế được, về việc phải đạt được vòng nguyệt quế Olympic, từ đó tạo nên sự khác biệt rõ ràng cho bản thân.

Hơn cả bản thân là đại diện cho đất nước của mình. Serbia là lý do và động lực lớn hơn nữa cho Djokovic.

"Thi đấu với Carlos là thử thách lớn nhất mà bất kỳ ai có thể gặp phải ở thời điểm này, và cả trên sân này, nơi cậu ấy chiến thắng Roland Garros cách nay chưa đầy hai tháng", Nole lên tiếng.

Djokovic nhấn mạnh: "Ở đây chúng tôi chỉ gặp nhau một lần, năm ngoái, vòng bán kết Roland Garros".

Khi ấy, Djokovic thắng 3-1 khi Alcaraz gục ngã các set 3 và 4. Nhưng, như Nole nói, bối cảnh khác và Carlitos bây giờ cũng khác.

Alcaraz làm chủ được tâm lý tốt hơn, không còn "say độ cao" bởi những chiến thắng vang dội đến quá nhanh.

Djokovic Musetti trong tai.jpg
Ở bán kết, Nole căng thẳng với trọng tài

"Tôi cảm thấy tuần này bản thân di chuyển tốt hơn nhiều so với ở Wimbledon, tôi cảm thấy tốt hơn nhiều", Djokovic tiếp tục. "Theo một cách nào đó, trong trận chung kết này, tôi không còn gì để mất, tôi muốn giành HCV".

Djokovic trải qua khoảng thời gian căng thẳng trong trận bán kết với Musetti trước khi lấy được vé chung kết Olympic Paris 2024.

Nole tranh cãi với trọng tài Jaume Campistol, người có 2 lần xử phạt anh vì chậm trễ giao bóng, cùng một lần cho những lời khó hiểu của anh từ khu ghế ngồi.

Dù vậy, chủ nhân 24 Grand Slam vẫn đi đúng hướng để lần đầu tiên trong sự nghiệp vào chung kết Olympic và mơ về HCV. Đây là thành quả của những nỗ lực phi thường, sau khi anh trải qua ca phẫu thuật vào ngày 5/6.

"Tôi đã chờ đợi điều này gần 20 năm rồi. Tôi thi đấu 4 kỳ Olympic, đây là lần thứ 5 và tôi chưa bao giờ vượt qua vòng bán kết (ở Bắc Kinh 2008, anh giành HCĐ; thua 2 trận trang hạng 3 khác tại London 2012 và Tokyo 2020 - PV), vì vậy tôi không muốn điều đó xảy ra lần nữa", anh thừa nhận cảm xúc trong trận gặp Musetti.

Sau 20 năm chờ đợi và cuối cùng cũng vào chung kết Olympic, Djokovic quyết cháy hết mình cho giấc mơ vàng.