Công nghiệp điện tử với sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn đã đóng góp mạnh vào tăng trưởng và xuất khẩu của Việt Nam. Để tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư, một yêu cầu quan trọng là phải có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Mới đây nhất, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Meiko Electronics Việt Nam) - thương hiệu hàng đầu về sản xuất bảng mạch in điện tử và lắp ráp điện tử, cho biết, đã thuê lại cơ sở hạ tầng và đất tại Khu công nghiệp Quang Minh (thuộc TNI Holdings Việt Nam) để đầu tư xây dựng nhà máy điện tử thứ 3 của tập đoàn này tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD.
Với sự góp mặt của nhiều tập đoàn điện tử lớn, công nghiệp điện tử Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử nói riêng sẽ tiếp tục thu hút được lượng lớn DN quan tâm. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp điện tử. Đến nay, lĩnh vực này đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn: Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel,...
Năm 2006, khi chính thức đầu tư vào Việt Nam thông qua dự án Nhà máy điện tử đầu tiên của tập đoàn, Meiko đã quyết định lựa chọn TNI Holdings Việt Nam để hợp tác đầu tư đặt nhà máy tại Khu Công nghiệp Thạch Thất (Hà Tây cũ). Khi đó, đây là một trong 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất năm 2006 và cũng là dự án sản xuất điện tử lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm đó.
Công nghiệp điện tử với sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn đã đóng góp mạnh vào tăng trưởng và xuất khẩu của Việt Nam.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu 8 tháng năm 2017 cả nước tăng 19,3%, tương ứng tăng 21,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Có 20 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có tới 5 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD.
Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để đón nhà đầu tư. |
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đánh giá xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 27 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá mới nhất của Bộ Công Thương, xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính và linh kiện điện tử tăng trưởng cao đã giúp cho sản xuất tăng cao tới 25%.
Để thu hút được những DN FDI như vậy, một yêu cầu quan trọng là phải có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư - một trong những vấn đề không ít nhà đầu tư quan ngại khi đầu tư vào Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ tịch TNI Holdings, chia sẻ, hiện TNI Holdings Việt Nam đã thu hút được trên 400 doanh nghiệp đầu tư tại các KCN, trong đó khoảng 300 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan,...
“Với số lượng dự án đầu tư luôn tăng trưởng mạnh mẽ qua mỗi năm, TNI dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng đầu tư thêm các Khu công nghiệp mới như tại: Quế Võ 3 (Bắc Ninh), Đồng Văn 3 mở rộng (Hà Nam), Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Minh Quang (Hưng Yên) và một số các khu công nghiệp mới khác tại Hưng Yên, Hải Dương và Vĩnh Phúc,... ”, ông Nguyễn Phi Hùng nói về việc xây dựng hạ tầng đón các nhà đầu tư FDI.
Hoài Nam