- Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM "tố" với tổ công tác của Thủ tướng về việc DN bị Bộ Y tế "hành" khi yêu cầu sử dụng muối i-ốt khiến DN mất niềm tin.
Sáng nay, tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ NN&PTNT về kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nêu hàng loạt bức xúc của DN, trong đó có việc bị Bộ Y tế "hành" lên bờ xuống ruộng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng |
Bà Chi nhìn nhận dù không phải buổi làm việc với Bộ Y tế nhưng nhân tiện được gặp tổ công tác của Thủ tướng nên bà xin phép được trình bày hàng loạt bức xúc của DN.
Bà kể chính bản thân đã dự rất nhiều cuộc họp của Bộ Y tế về việc yêu cầu sử dụng muối i-ốt trong ngành lương thực thực phẩm và đã trực tiếp trình bày bằng văn bản, bằng miệng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với Thứ trưởng Bộ Y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm về vấn đề này.
Theo bà Chi, nghị định 09/2016/ NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối ăn trực tiếp và muối sử dụng trong chế biến thực phẩm và kiểm soát việc bổ sung i-ốt tại các cơ sở sản xuất muối sử dụng cho 2 mục đích trên.
Tuy nhiên, công văn số 1216 của Bộ Y tế trả lời ý kiến của DN lại khẳng định các DN sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt.
Bà Chi cho rằng nội dung này đã gây nhiều khó khăn, chưa phù hợp trong thực tế sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiện nay của Việt Nam.
“Đến giờ, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được văn bản cho phép các DN lương thực thực phẩm được phép không dùng muối i-ốt trong một số sản phẩm đặc thù, bởi nhiều sản phẩm không có nhu cầu dùng muối này", bà Chi nói.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM bày tỏ cảm thấy "rất buồn" về việc này khi đề xuất này họp đi họp lại nhiều lần vẫn chưa sửa đổi.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM |
"Suốt 2 năm qua, chúng tôi kiến nghị, nhiều phiên họp có Phó Thủ tướng chủ trì, nhưng một việc nhỏ như vậy vẫn không chịu sửa, gây ách tắc rất nhiều cho DN", Bà chi kể.
Rồi bà đề nghị: “Dù đây là việc cực nhỏ, nhưng tôi cũng đề đạt với tổ công tác của Thủ tướng. Nếu Bộ Y tế không sửa được cái này, chúng tôi mất hết niềm tin".
Không làm được thì chuyển cho ông khác làm
Nghe vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng liền đáp lời: “Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là phải thực hiện minh bạch, công khai, nên trong các cuộc làm việc của tổ công tác của Thủ tướng đều có mời các hiệp hội”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã 2 lần gặp gỡ, đối thoại với DN. Tổ công tác cũng đã kiểm tra và làm việc tại Bộ Y tế.
Ông cho hay, VPCP đã đưa ra một văn bản thừa lệnh Thủ tướng thông báo về việc thực hiện không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, yêu cầu phải sửa theo trình tự thủ tục rút gọn. Ngay sau cuộc họp này, tổ công tác sẽ báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng là sẽ mời các bộ, ngành để thống nhất xử lý một số việc, trong đó có việc liên quan đến muối i-ốt.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ đề nghị nên chuyển các quy định liên quan đến lương thực, thực phẩm về Bộ NN&PTNT, không nên để Bộ Y tế.
“Phó Thủ tướng chỉ đạo như thế mà không tuân thủ thì mất niềm tin của DN, bởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo mà Bộ vẫn không thực hiện. Đề nghị phải dứt điểm xử lý. Ông nào không làm được thì chuyển cho ông khác làm”, ông Cung đề nghị.
Thủ tướng khen Bộ trưởng NN&PTNT
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời khen của Thủ tướng đến Bộ trưởng NN&PTNT.
“Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng của toàn ngành nông nghiệp và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với tinh thần tận tụy, năng động, trách nhiệm, quyết liệt, đổi mới, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm”, ông nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ NN&PTNT cần hết sức quan tâm một số vấn đề như yêu cầu cấm chặt phá rừng…
Liên quan công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ đề xuất cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với danh mục hàng hóa hiện nay đang chồng chéo giữa Bộ với Bộ Công thương, Y tế theo hướng một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản.
Đồng thời, danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có mã HS, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn thì phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn. Hiện nay Bộ đã ban hành được 645 quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn Việt Nam; còn 13 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 127 quy chuẩn Việt Nam chưa ban hành.
Doanh nghiệp kêu phải vắt chân lên cổ chạy thủ tục
Doanh nghiệp kêu phải chạy vắt chân lên cổ may ra mới kịp làm giấy phép xuất nhập khẩu chỉ vì thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá rắc rối.
'Có thủ tục là có làm khó, có đánh chén'
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”.
Tranh luận với Cục trưởng Bộ Y tế về thủ tục
Các thành viên tổ công tác của Thủ tướng tranh luận với Cục trưởng Bộ Y tế về thủ tục kiểm dịch thú y đối với thực phẩm đóng gói.
DN tốn 28,6 triệu ngày, 14.300 tỷ/năm để kiểm tra hàng hóa
Có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công, chi phí 14.300 tỷ đồng để làm các thủ tục này.
Thủ tướng: 'Thủ tục bán gà còn lâu hơn nuôi gà'
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn", Thủ tướng nói.
Thu Hằng