Kiến nghị xây dựng tuyến cáp quang ra Côn Đảo
Chiều ngày 4/5, tại UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác quản lý nhà nước ngành TT&TT tại địa phương.
Ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Sở TT&TT báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch năm 2022. Theo đó, mạng lưới bưu chính của tỉnh đã phủ rộng tới 100% xã phường, số lượng hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích năm 2021 đạt 852.347 hồ sơ, tăng gần gấp 2 lần so với năm trước (453.916 hồ sơ). Tỉnh có tỷ lệ điện thoại thông minh trên dân số đạt 90%, tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang đạt 93,53%. Về lĩnh vực báo chí xuất bản, BR-VT cũng là một trong những tỉnh đầu tiên giao cho Sở TT&TT thực hiện việc đặt hàng với báo chí trung ương và địa phương; sử dụng công nghệ rà quét, lắng nghe dư luận trên báo chí, mạng xã hội nhằm xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. BR-VT cũng tập trung vào chuyển đổi số hoạt động của chính quyền để hỗ trợ cải cách hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tuyên truyền vận động người dân sử dụng các nền tảng số, thúc đẩy thanh toán số. Đến nay, BR-VT đã đưa vào khai thác 3 trợ lý ảo sử dụng công nghệ AI, tỷ lệ thu cước không dùng tiền mặt của các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp tăng từ mức 46,24% tháng 9/2021 lên 73,27% quý I năm 2022.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là VNPT, Viettel xây dựng tuyến cáp quang ra Côn Đảo để đồng bộ với kế hoạch xây dựng tuyến cáp điện lực của EVN; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông ưu tiên mở rộng vùng phủ sóng 5G, coi BR-VT là địa bàn trọng điểm đầu tư mạng lưới, thí điểm việc tắt sóng 2G, 3G; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây để kết hợp cùng cáp quang biển, hướng tới xây dựng BR-VT trở thành "data port" (cổng truy nhập dữ liệu) Internet quốc tế trọng tâm của Việt Nam.
Thứ trưởng Phạm Đức Long ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà BR-VT đạt được, đặc biệt là tỷ lệ số hộ gia đình có cáp quang và người dân có điện thoại thông minh. Thứ trưởng ủng hộ đề xuất của tỉnh và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trung tâm dữ liệu tại BR-VT, chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông chuyển đổi các trạm phát sóng 2G, 3G sang công nghệ 4G nhằm nâng cao tốc độ Internet băng rộng di động, đưa cáp quang biển ra Côn Đảo. Bên cạnh việc đẩy mạnh sử dụng nền tảng thanh toán số, tỉnh cần lựa chọn một số nền tảng số khác để đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh đề xuất với Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giải quyết các khó khăn, cam kết hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Trước đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long và Đoàn công tác của Bộ đã đến thăm, làm việc và tặng quà Sở TT&TT Bà Rịa-Vũng Tàu. Thứ trưởng chỉ đạo đẩy mạnh việc đưa nông sản của tỉnh lên sàn giao dịch, phối hợp với các đơn vị hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Coi phủ sóng di động như là cung cấp điện cho người dân
Ngày 5/5/2022, tại Hậu Giang, Bộ TT&TT cùng UBND tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển TT&TT giai đoạn 2022 - 2023. Tham dự Lễ ký kết có Thứ trưởng Phạm Đức Long cùng Đoàn công tác; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy ,Chủ tịch UBND tỉnh; bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang đã báo cáo về tình hình phát triển TT&TT và quá trình chuyển đổi số; đồng thời đề cập đến những vướng mắc như: Người dân chưa nhìn thấy lợi ích và tác dụng của chuyển đổi số, thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư còn khó khăn, phổ cập thiết bị thông minh gặp trở ngại; Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt của người dân còn thấp; Đội ngũ cán bộ CNTT chưa đảm bảo, kỹ năng sử dụng CNTT của cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế...
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhất trí với những kiến nghị của Hậu Giang về hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và chỉ đạo các cơ quan của Bộ tiếp thu ngay tại cuộc họp. Cụ thể là: Bộ TT&TT chỉ đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Bưu chính Viettel hỗ trợ Sở TT&TT Hậu Giang đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ sò; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông dùng chung hạ tầng và triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại Hậu Giang trong quý II năm 2022; hỗ trợ tỉnh xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển viễn thông trong 3-5 năm tới; thực hiện mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh cho các gia đình; hướng dẫn, phổ biến những mô hình hay và hiệu quả về chuyển đổi số...
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ TT&TT cùng UBND tỉnh Hậu Giang đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển TT&TT giai đoạn 2022 - 2023. Hai bên cam kết phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác chung như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ về TT&TT; triển khai các chương trình, đề án, dự án về TT&TT tại địa phương...
Tại buổi làm việc với Sở TT&TT Hậu Giang cùng ngày, Đoàn công tác và Thứ trưởng Phạm Đức Long đã lắng nghe ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang báo cáo nhanh tình hình phát triển ngành TT&TT 4 tháng đầu năm 2022 và định hướng phát triển. Theo đó, Sở đã hoàn thành các dự án: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 392/QĐ-BTTTT ngày 2/3/2022 của Bộ TT&TT phê duyệt Kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tại tỉnh Hậu Giang năm 2022; Quy định về đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; Kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang năm 2022; Hoàn thành và trình Đề án xây dựng khu CNTT tập trung tỉnh Hậu Giang, tham gia chuỗi công viên phần mềm Quang Trung,…
Sở sẽ phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu như: Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm dịch vụ 5G tại Hậu Giang; Triển khai kế hoạch sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông năm 2022; Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho báo in, báo điện tử và Quy chế hoạt động thông tin đối ngoại…
Chia sẻ và ghi nhận những kết quả mà ngành TT&TT Hậu Giang đạt được, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã gợi ý và giải đáp một số kiến nghị liên quan đến viễn thông, CNTT, chuyển đổi số… Thứ trưởng đề nghị Sở TT&TT phải quyết liệt khi ứng dụng CNT, coi phủ sóng di động như là cung cấp điện cho người dân. Cần nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số cho các ngành, các xã để giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội, tạo cơ sở thực tiễn cho việc triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia…
Cũng trong ngày 5/5, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng. Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá Sóc Trăng đã vào cuộc trong chuyển đổi số và đề nghị tỉnh có kế hoạch xây dựng hạ tầng số đảm bảo việc chuyển đổi số thành công, các sở ngành phải có cơ sở dữ liệu dùng chung. Sở TT&TT cần tham mưu UBND tỉnh lựa chọn một số nền tảng số cho người dân sử dụng. Đối với phát triển kinh tế số, phải quyết tâm thực hiện chuyển đổi số với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Linh Đan