Xuất khẩu tăng mạnh

Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại TP HCM (ITPC) đánh giá, Mỹ là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Mỹ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế đối tác hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Đây là thành tựu từ những nỗ lực thúc đẩy hợp tác cởi mở, năng động, đi vào thực chất của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau.

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 29,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhóm hàng hoá xuất khẩu chủ lực gồm dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bông, đậu tương, phế liệu sắt thép…, với giá trị ước tính 10,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ và chiếm 4,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

{keywords}
Mỹ là thị trường lớn cho xuất khẩu thuỷ sản

Trước đó, năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD). Con số này dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm 2021.

Trong giai đoạn 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng hơn 175%.

Về dệt may, Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) đang xuất khẩu tới 62% sang thị trường Mỹ. Con số này tại Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (TNG) là 41%. Ngành dệt may được dự báo vẫn khả quan trong những tháng tới nhờ các đơn hàng từ đầu năm và liên tục ký mới do nhu cầu mua sắm tại thị trường xuất khẩu tăng cao.

Về thủy sản, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC), Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) nằm trong nhóm doanh nghiệp thuỷ sản xuất khẩu chủ lực sang Mỹ.

Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng tăng mạnh nhằm hồi phục kinh tế của Mỹ tạo thêm dư địa tăng trưởng cho xuất khẩu thép của Việt Nam, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG).

Nhiều cơ hội cho hàng Việt

Thương mại song phương Việt - Mỹ đã có bước tăng trưởng nhảy vọt đầy ấn tượng sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thương mại song phương Việt - Mỹ gần như không có gì vào năm 1995 đã tăng lên 90 tỷ USD vào cuối năm 2020 và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM) đánh giá, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt - Mỹ không chỉ mang tính bổ sung cho nhau mà ngày càng thể hiện tính gắn kết trong các chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đáng lưu ý, Mỹ đang có nhu cầu cao về các sản phẩm của Việt Nam như: Găng tay y tế không bột, đồ gỗ - nội thất, sản phẩm công nghệ cao, nông sản nhiệt đới... Sự phát triển của Việt Nam tác động tích cực đến thị trường Mỹ cả về xuất khẩu nguyên liệu và cung ứng sản phẩm tiêu dùng. Mặc dù vậy, thị trường Mỹ rất khó tính, yêu cầu doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu tốt phải hoàn thiện sản phẩm theo hướng chất lượng cao, bảo đảm các quy định về nguồn gốc xuất xứ, môi trường...

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sang Mỹ về công nghiệp chế biến, chế tạo linh kiện điện tử (vi mạch, bán dẫn... Nhu cầu về thiết bị bán dẫn của Mỹ vẫn cao nên ngành này có triển vọng tăng trưởng tốt.

VinFast đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Mỹ trong nửa đầu năm nay để sản xuất ô tô điện. Đây là tín hiệu tốt cho thấy Việt Nam có thể có những sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu sang thị trường này.

“Trong tương lai gần, chúng ta có thể hy vọng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo linh phụ kiện điện tử cũng như các mặt hàng công nghệ cao sẽ tăng dần tỷ trọng ở thị trường Mỹ”, ông Thịnh nói.

Hoài Linh