Ba năm đầu tiên của thập kỷ trôi qua với nhiều cung bậc cảm xúc. Chỉ trong ba năm ngắn ngủi, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm và những khó khăn vô tiền khoáng hậu.
Ba năm vừa qua cũng chứng kiến các nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp đề phục hồi và củng cố nền móng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Ba năm khó khăn khiến các doanh nghiệp và nền kinh tế trưởng thành hơn, có sức chống chịu cao hơn. Cùng với đó, cũng có một số xu hướng cần khắc phục để nâng cao năng lực của chính các doanh nghiệp.
Trông chờ vào hỗ trợ và giải cứu
Bên cạnh nỗ lực tự lực cánh sinh, chủ động vượt khó của phần lớn cộng đồng doanh nghiệp, ba năm vừa qua cũng chứng kiến sự trỗi dậy của tư duy trông chờ vào sự hỗ trợ và giải cứu của Nhà nước của một bộ phận doanh nghiệp và một số ngành.
Trong lĩnh vực kinh tế, có lẽ một trong những từ khóa phổ biến nhất trong năm 2020 và 2021 là “hỗ trợ doanh nghiệp” và trong năm 2022 là “giải cứu”.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch, hỗ trợ doanh nghiệp là điều hợp lý và dễ hiểu. Nhưng giải cứu DN do thất bại trước những tác động của thị trường hay do chính các phương án kinh doanh sai lầm hay công tác quản trị thiếu chặt chẽ của DN lại là chuyện khác.
Cần có phân định rạch ròi để trả lại những vấn đề nào thuộc thị trường và cần được giải quyết bằng các biện pháp thị trường. Hỗ trợ hay giải cứu thường mang lại lợi ích trực tiếp và dễ gây nghiện. Do vậy, tư tưởng đó dễ dàng trỗi dậy bất kỳ khi nào khó khăn xảy ra hay khi điều kiện của thị trường có biến động bất lợi.
Đã thành hiện tượng phổ biến là nhiều hiệp hội doanh nghiệp, đứng trước khó khăn của ngành mình, luôn yêu cầu Nhà nước phải hỗ trợ và giải cứu.
Những đề xuất hỗ trợ hay giải cứu đó trong nhiều trường hợp đi ngược lại các nguyên tắc thị trường, gây ra nhiều hệ lụy hay tác động tiêu cực đến các ngành khác, nhóm doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Để bảo vệ lợi ích của các thành viên hay ngành mình, điều này cũng dễ hiểu.
Tuy nhiên, với vai trò là đại diện quan trọng của kinh tế thị trường, các hiệp hội doanh nghiệp cần thực sự cân nhắc, căn chỉnh các đề xuất của mình để vừa hỗ trợ và bảo vệ cho lợi ích của các doanh nghiệp thành viên, song cũng phải tuân thủ các nguyên tắc hay quy luật thị trường. Đồng thời, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của ngành mình với ngành khác, doanh nghiệp hội viên của mình với các nhóm doanh nghiệp khác và lợi ích chung của nền kinh tế.
Ở một góc độ khác, sau mỗi cuộc khủng hoảng, các hoạt động hỗ trợ cần được sớm chấm dứt hay được thu hẹp quy mô và chỉ tập trung vào các nhóm đối tượng trọng tâm nhất.
Qua đó, trả lại không gian cho việc vận hành theo cơ chế thị trường và cho các tư tưởng và tư duy chung theo thị trường của cả các cơ quan quản lý cũng như của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Củng cố tư duy thị trường
Năm 2023 và thời gian tới hứa hẹn nhiều thách thức hơn với cộng đồng doanh nghiệp. Sự cạnh tranh chiến lược sẽ tiếp tục gia tăng trên toàn cầu.
Các nền kinh tế lớn vẫn trực chờ trước nguy cơ suy thoái hay giảm tốc tăng trường. Rủi ro ngoại cảnh từ nền kinh tế toàn cầu và các rủi ro từ nội tại của nền kinh tế luôn thường trực đối với các doanh nghiệp.
Hai năm đại dịch, hơn một năm tác động của kinh tế toàn cầu và cuộc xung đột Nga - Ukraina cho thấy chỉ có chính sức mạnh nội tại và bản lĩnh của doanh nghiệp, sức mạnh nội tại của nền kinh tế mới giúp doanh nghiệp giảm thiểu được các tác động của các yếu tố ngoại cảnh bất lợi.
Sức chống chọi của doanh nghiệp phải đến từ chính năng lực nội tại của doanh nghiệp và năng lực đó phải đến từ các tư duy thị trường chứ không phải từ tâm thế sẽ được hỗ trợ hay được giải cứu khi các điều kiện ngoại cảnh bất lợi xảy ra.
Với tư duy đó, doanh nghiệp sẽ có chiến lược quản trị cho riêng mình, và dự phòng cho các tình huống khó khăn từ ngoại cảnh. Ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 chưa có tiền lệ mà không thể dự báo được, hoạt động quản trị của doanh nghiệp phải tính đến cả những tình huống xấu và không như mong đợi.
Những tình huống đó phải bao gồm cả những kịch bản như sự xấu đi của các điều kiện thị trường. Doanh nghiệp không thể chỉ quản trị trên các kịch bản thị trường tốt nhất và khi điều kiện thị trường thay đổi theo hướng bất lợi, doanh nghiệp gần như không có phương án dự phòng và bắt đầu lên tiếng cần được hỗ trợ và giải cứu.
Nguồn lực từ Nhà nước sẽ không bao giờ đủ và cũng không nên luôn được sử dụng để hỗ trợ và giải cứu doanh nghiệp. Nó chỉ được sử dụng trong các trường hợp cấp bách do bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, cho các đối tượng yếu thế hay để xử lý các thất bại của thị trường.
Sử dụng nguồn lực để giải cứu doanh nghiệp chỉ có thể là giải pháp ngắn hạn khi cần thiết chứ không thể là biện pháp thường xuyên, liên tục. Sử dụng nguồn lực theo cách đó không nuôi dưỡng được tư duy thị trường và tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, và làm cạn kiệt nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội hay cho các nhóm đối tượng thực sự cần được hỗ trợ.
Tư duy và quan điểm này cũng cần được củng cố ở nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Ai cũng nghĩ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân, là những chủ thể có tư duy thị trường nhất. Nhưng thời gian qua đã cho thấy nhiều doanh nghiệp mất dần tư duy thị trường. Điều này rõ ràng thực sự không có lợi cho sức mạnh nội tại và bản lĩnh của các doanh nghiệp.
Trưởng thành hơn sau mỗi cuộc khủng hoảng
Đối với nhiều doanh nghiệp, ba năm ngắn ngủi nhưng cũng đủ thời gian để họ phải trải qua ba cuộc khủng hoảng, đó là đại dịch Covid-19, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của các yếu tố bất lợi của nền kinh tế toàn cầu, và với một số doanh nghiệp thì đó là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã vượt bão thành công, trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng cũng không ít doanh nghiệp đã phải ngậm ngùi rời bỏ thị trường.
Điều đáng tiếc, nhiều doanh nghiệp đã không rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng thứ nhất để xây dựng chiến lược rủi ro cho mình. Vừa thoát khỏi những khó khăn sau đại dịch Covid-19 và những biến động do sự đứt gãy của kinh tế toàn cầu, một số doanh nghiệp lại lặp lại ngay những sai lầm trong quản trị rủi ro, và lần này dưới một hình thái khác đó là về quản trị tài chính, quản trị rủi ro thị trường và vướng ngay vào cuộc khủng hoảng về thanh khoản, khủng hoảng về trái phiếu.
Sau mỗi khó khăn, mỗi cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ trưởng thành hơn khi học được những bài học kinh nghiệm quý từ cuộc khủng hoảng đó.
Tư duy thị trường, đối diện với các rủi ro từ thị trường và xây dựng chiến lược để quản trị rủi ro, không luôn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hành động với tinh thần doanh nghiệp chân chính sẽ giúp các doanh nghiệp trưởng thành hơn sau mỗi cuộc khủng hoảng.
TS Lê Duy Bình