Phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao
Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, dịp lễ 30/4-1/5 năm nay đã có tín hiệu tích cực về du khách so với trước dịch Covid-19.
“Dịp lễ năm nay, tổng lượt khách đến tham quan lưu trú Quảng Nam đã tăng mạnh, vượt so với dịp lễ năm 2019, năm 2023 đạt 245.000 lượt khách, tăng gần 25% so với năm 2019. Trong đó, khách tham quan tăng 15%, khách lưu trú tăng gần 59%”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, đối với khách quốc tế tăng 28,8%, khách nội địa tăng 21,4%. Trước đây, Quảng Nam tập trung chủ yếu vào du lịch văn hóa, lịch sử với hai di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, thị trường khách chủ yếu là khách quốc tế.
Sau hơn 3 năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu, thị hiếu, thị trường khách du lịch đã có nhiều thay đổi, nhìn chung, khách du lịch kể cả khách quốc tế và nội địa đều có xu hướng lựa chọn những điểm du lịch thân thiện với môi trường, bền vững, đổi mới, du lịch cộng đồng...
Theo đó, xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, tỉnh sẽ phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, gắn với tạo thương hiệu, cạnh tranh lâu dài theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với tiềm năng và lợi thế từng vùng, nhất là mở rộng du lịch về phía Nam, phía Tây của tỉnh.
Xây dựng Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển
Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay lượt khách du lịch và doanh thu du lịch đều cao hơn so với thời điểm trước dịch năm 2019.
“Năm 2019, tổng lượt khách đạt 112.100 lượt; doanh thu đạt 41,2 tỷ đồng. còn với năm 2023, Quảng Ngãi đón 161.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 140 tỷ đồng”, ông Dũng nói.
Ông Dũng thông tin, để thu hút khách du lịch sau dịch, thị trường khách hướng đến vẫn là khách du lịch nội địa, bên cạnh các sản phẩm chủ đạo như nghỉ dưỡng, biển đảo... tỉnh tập trung vào các loại hình sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa để trải nghiệm, khôi phục sức khỏe sau dịch và thu hút nhiều đối tượng khách khác nhau.
Cùng với đó, Quảng Ngãi xây dựng Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo làm hạt nhân cho phát triển du lịch của tỉnh.
“Tỉnh tập trung bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp, phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, di chỉ khảo cổ, công trình kiến trúc nghệ thuật, công trình tôn giáo; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội Điện Trường Bà và một số lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phục vụ cho phát triển du lịch”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình homestay.
Một hướng nữa tỉnh đang định hướng đó chính là phát triển dịch vụ đêm, xây dựng chợ đêm, hình thành một số tuyến đi bộ tại thành phố Quảng Ngãi và một số các đô thị đông dân cư có nhiều khách du lịch; phát triển dịch vụ trên sông, nhà hàng ẩm thực, các khu thương mại, dịch vụ văn hóa, thể thao dọc hai bên sông Trà Khúc để tạo điểm nhấn cho thành phố Quảng Ngãi…
“Cùng với đó, phát triển hệ thống sản phẩm quà lưu niệm đa dạng, chất lượng, mang đặc trưng, thương hiệu của Quảng Ngãi như: Quế Trà Bồng; hành, tỏi Lý Sơn; cá bống Sông Trà; mạch nha, kẹo gương, thổ cẩm…”, ông Dũng nói.
39.000 tỷ đồng điều chỉnh quần thể khu du lịch sinh thái Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh đối với dự án Quần thể Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ. Theo đó, dự án Quần thể Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ được UBND TP cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 8/5/2008. Qua quá trình hoạt động và phát triển, việc điều chỉnh dự án lần này nhằm sắp xếp, nâng cấp một số hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch để phù hợp với yêu cầu phát triển, thị hiếu của du khách, hài hòa giữa cảnh quan và kiến trúc; đáp ứng các tiêu chuẩn về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt, hạn chế tối đa tác động tới cảnh quan tự nhiên cũng như phục vụ phát triển đa dạng sinh học tại khu vực sinh thái Bà Nà - Núi Chúa. Thành phố đánh giá, đây là dự án mang tính chất động lực, là sản phẩm du lịch tiêu biểu để thúc đẩy phát triển du lịch. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần này thay đổi các thông tin về tiến độ để đảm bảo thời gian hoàn thành thi công xây dựng dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 39.000 tỷ đồng để phù hợp với quy mô đầu tư hiện nay, sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như tình hình kinh tế khó khăn, tác động của lạm phát, giá cả vật tư, nguyên vật liệu, nhân công tăng cao… Từ năm 2009 đến 2018, lượng khách đến Đà Nẵng tăng trưởng tới 463%, du khách đến Bà Nà cũng tăng hơn 160 lần. Cũng thời gian đó, sân bay Đà Nẵng cũng chứng kiến một lượng khách tăng trưởng vượt bậc, từ hơn 2 triệu khách năm 2009 lên 13,3 triệu khách năm 2018. |