Thanh Hóa vượt mốc 1 triệu lượt khách

Thanh Hóa gây chú ý khi công bố thống kê lượng khách trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4 -1/5. Sáng 3/5, trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong dịp lễ (từ ngày 29/4 đến ngày 3/5), du khách đến Thanh Hóa đạt khoảng 1.195.000 lượt khách (gần 1,2 triệu lượt), tăng 33,1% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2022, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 690.000 lượt khách. Tổng thu du lịch đạt khoảng 2.865 tỉ đồng, tăng 48,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2022.

Các điểm du lịch thu hút đông du khách nhất trong tỉnh là TP Sầm Sơn: 850.000 lượt khách; thị xã Nghi Sơn: 78.200 lượt khách; Hải Tiến: 77.000 lượt khách; TP Thanh Hóa 39.800 lượt khách; Suối cá Cẩm Lương 18.300 lượt khách... Công suất sử dụng phòng trong dịp nghỉ lễ đạt khoảng 81,5%. 

TP.HCM và Cần Thơ cũng đạt những con số ấn tượng về lượng khách.

Theo thống kê từ Sở Du lịch TP.HCM, tính riêng trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 năm nay, doanh thu ngành du lịch ước đạt hơn 3.000 tỉ đồng, tăng 94,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí ước khoảng 950.000 lượt; khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước khoảng 320.000 lượt. 

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP.HCM thu hút du khách (Ảnh: Nguyễn Huế)

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, điểm nhấn của chuỗi ngày lễ năm nay là chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP.HCM. Sau hai ngày tổ chức, chương trình tham quan đón tiếp hơn 1.500 lượt khách gồm người dân TP du khách trong nước đến từ nhiều tỉnh thành xa như Hà Nội, Hà Giang... và khách quốc tế, văn nghệ sĩ.

Trong các ngày nghỉ Lễ (29/4 – 3/5), tổng số khách tham quan, du lịch tại các sự kiện, lễ hội, khu điểm du lịch trên địa bàn Cần Thơ ước đạt khoảng 982.000 lượt, tăng 139% so với dịp Lễ năm 2022. Các cơ sở lưu trú ước phục vụ 105.000 lượt khách lưu trú, tăng 44% so với dịp Lễ năm ngoái, trong đó, khách lưu trú quốc tế khoảng 1.800 lượt, tăng 360%. Doanh thu du lịch ước đạt 523 tỷ đồng, tăng 185%.

Những ngày trước kì nghỉ lễ, Khánh Hòa ghi nhận tỉ lệ trống phòng cao. Tuy nhiên, tỉnh này vẫn chứng tỏ sức hút bền vững với số lượng lượt khách tăng đáng kể trong 5 ngày lễ. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, ước tính, trong kì nghỉ lễ vừa qua, tỉnh này đón gần 800.000 lượt khách, trong đó có gần 200.000 lượt khách lưu trú. Công suất buồng phòng bình quân đạt 87,8%. Tổng thu từ khách du lịch hơn 854 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, trong 5 ngày nghỉ lễ, tỉnh đón 780.000 lượt khách, bằng 110% so với 2022. Công suất phòng bình quân ước đạt trên 80%. Tổng thu du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng.

Trong 5 ngày nghỉ lễ (từ ngày 29/4/2023 đến hết ngày 03/5/2023), Thủ đô Hà Nội đón 719 nghìn lượt khách, bao gồm 69,5 nghìn lượt khách du lịch quốc tế và 650 nghìn lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2,4 nghìn tỷ đồng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức triển khai vận chuyển miễn phí cho du khách tham quan Thủ đô bằng xe buýt hai tầng (ước tính trong 5 ngày nghỉ lễ đã thực hiện 127 chuyến xe với hơn 6.681 lượt khách tham quan trải nghiệm). 

Du khách xếp hàng nhiều giờ chờ trải nghiệm xe buýt hai tầng tại Hà Nội (Ảnh: Linh Trang)

Lượng khách du lịch đến các khu, điểm tham quan du lịch trong 05 ngày lễ từ 29/4-3/5/2023 có sự tăng trưởng mạnh mẽ như: Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón khoảng 30.000 lượt khách; Hoàng Thành Thăng Long đón 31.400 lượt khách; Khu du lịch Ao Vua đón 17.250 lượt khách; Bảo tàng dân tộc học đón 11.000 lượt khách; Di tích Nhà tù Hoả Lò đón 27.410 lượt khách; Vườn thú Hà Nội đón 130.898 lượt khách...

Phú Quốc sụt giảm khách, Đà Lạt không quá tải

Kết quả trong 05 ngày từ ngày 29/4 đến ngày 03/5/2023, tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ước đạt 264.938 lượt khách, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng thành phố Phú Quốc đón 112.635 lượt khách, giảm 11,5 % so với cùng kỳ, tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ.

Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang đánh giá, công suất phòng lưu trú bình quân trên địa bàn tỉnh đạt thấp so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt khoảng hơn 52%; phân khúc cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao trung bình chỉ đạt từ 65-70%. Một trong những nguyên nhân về sự sụt giảm này được sở nhận định là giá vé bay tăng cao nên khách du lịch sẽ lựa chọn điểm đến khác có giá phù hợp hơn.

Trong khuôn khổ Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng từ ngày 27/4 đến hết ngày 3/5/2023, thành phố Đà Lạt ước đón 300.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (đăng ký lưu trú ước đạt: 135.000 lượt khách). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 8.000 lượt khách, khách nội địa ước đạt 292.000 lượt khách.

Riêng trong dịp lễ 30/4-1/5/2023 (từ ngày 30/4 đến hết ngày 03/5/2023): Đà Lạt ước đón khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4.500 lượt khách (tăng 221,4% so với cùng kỳ năm 2022); khách nội địa ước đạt 115.500 lượt khách (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022), khách qua lưu trú ước đạt 78.000 lượt (tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2022).

Đà Lạt vẫn là điểm đến thu hút du khách nhưng không ghi nhận tình trạng thiếu phòng lưu trú, ùn tắc kéo dài như nhiều kì nghỉ trước (Ảnh: Nguyễn Huế)

Vũng Tàu, Sa Pa giữ sức hút

Sa Pa (Lào Cai) là điểm đến hút khách nhất miền Bắc. Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, Sa Pa ước đón 103.000 lượt khách, bằng 105% so cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay. Trong 5 ngày nghỉ lễ, tổng doanh thu ước đạt trên 335 tỷ đồng, bằng 120% so cùng kỳ 2022 và gấp 1,4 lần so 2019. Tỷ lệ kín phòng khách sạn trong ba ngày đầu tiên là 95%, chủ yếu ở phân khúc trung - cao cấp. Các điểm du lịch cộng đồng, công suất bình quân đạt 65%, trong đó đông nhất tại xã Tả Van và Mường Hoa.

Biển Vũng Tàu luôn là một trong những "điểm nóng" du lịch của cả nước vào các dịp lễ lớn trong năm. Trong kì nghỉ kéo dài 05 ngày mới đây, Bà Rịa - Vũng Tàu đón gần 500.000 lượt khách, tăng 46,1% so với năm 2022, trong đó khách lưu trú là 124.615 lượt khách, riêng khách quốc tế là 11.834 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch trong 05 ngày nghỉ lễ là 633,692 tỷ đồng, tăng 84,57 % so với năm 2022.

Tính riêng tại thành phố Vũng Tàu, tổng lượng khách tham quan, vui chơi giải trí và lưu trú đạt khoảng 260.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 398,138 tỷ đồng.

Dịp lễ 30/4 năm nay, đoạn cao tốc qua địa bàn Bình Thuận (Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo) được đưa vào khai thác. Nhờ đó, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết (Bình Thuận) được rút ngắn từ gần 5 tiếng còn hơn 2 tiếng. Đây là một trong những lí do quan trọng khiến lượng du khách chọn Bình Thuận là điểm đến trong kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tăng cao.

Trả lời báo VietNamNet, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận ước đón 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú tăng gấp đôi so với năm 2022, công suất phòng bình quân khoảng 70 - 90% (trong đó các khách sạn, resort 3-5 sao đạt công suất phòng đạt xấp xỉ 95 - 100%), doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng. 

Riêng đảo Phú Quý đón khoảng 10.000 lượt khách. Các điểm lưu trú trên đảo không còn chỗ trống dịp lễ 30/4. Du khách phải xếp hàng chờ đợi để check-in các điểm nổi tiếng như dốc Phượt, núi Cao Cát, Gành Hang, Mộ Thầy...

Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ (29/4-3/5), tổng lượt khách tham quan, du lịch TP ước đạt khoảng 321.620 lượt, tăng 26,6% so với năm 2022. Trong đó, khách nội địa ước đạt 286.820 lượt, tăng 16,3%; khách quốc tế ước đạt 34.800 lượt, tăng 4,7 lần so với năm 2022.

Trong 5 ngày nghỉ lễ, Thừa Thiên Huế đón 99.000 lượt khách, tăng 80% so với cùng kỳ 2022, trong đó có khoảng 36.300 lượt khách quốc tế, tăng gấp 26 lần so với năm 2022, doanh thu du lịch ước đạt 153 tỷ đồng. Thống kê riêng lượng khách mua vé vào tham quan các điểm di tích thuộc khu di sản văn hóa thế giới trong 4 ngày từ 29/4 đến 02/5 đạt 69.031 khách. Riêng ngày 1/5, khu di sản Huế đón 24.313 khách mua vé vào tham quan, cao nhất từ trước đến nay.

Lượng khách đến Huế dịp lễ năm nay đông nhờ hiệu ứng của tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế và các lễ hội hưởng ứng của các địa phương. Ngoài ra, ngành du lịch đã tạo một số sản phẩm dịch vụ hấp dẫn thu hút du khách như phố đi bộ, điểm check-in mới ở các địa phương. Ước tính có khoảng 250.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan hội.

Ninh Bình đón hơn 340 ngàn lượt du khách, tăng 63% so với cùng kỳ 2022, công suất sử dụng phòng đạt từ 85 - 90%, doanh thu đạt 320 tỷ đồng. Lượng khách quốc tế hơn 24 ngàn lượt. Các điểm đến hút khách nhất là phố cổ Hoa Lư (69.500 lượt), Tràng An (70.700 lượt), Chùa Bái Đính (65.600 lượt), vườn chim Thung Nham (44.900 lượt), Tam Cốc (31.000 lượt), vườn quốc gia Cúc Phương (14.810 lượt)...