Kích hoạt nội lực của mỗi độc giả

Theo một khảo sát online, có đến hơn 60% độc giả cho biết: họ thường mất rất nhiều thời gian để lựa chọn sách trước khi đọc nhưng sau đó lại bỏ dở. Có không ít người nhìn thấy một cuốn sách dày kín chữ là nản.

Mỗi năm, người Việt Nam đọc bình quân chỉ khoảng một cuốn sách, mặc cho phong trào đọc được phát động rộng khắp; các cộng đồng đọc sách xuất hiện muôn nơi (online, offline, trong công ty khi bạn đi làm và ở tổ dân phố khi bạn về nhà); marketing cho ngành xuất bản được chú trọng hơn bao giờ hết. Và đặc biệt, theo một logic xa nào đó người ta kéo gần vấn đề lại khi kết luận ngắn gọn rằng: Đọc sách là con đường dẫn đến thành công… Tất cả không nằm ngoài mục tiêu khuyến đọc.

Cần giao tiếp với sách để hành vi đọc trở nên chủ động và kích thích tư duy đa chiều. 

Nhưng có lẽ nhiều vậy rồi vẫn chưa đủ. Vẫn còn quá ít lý do thực sự “chạm” vào nội lực để kích hoạt động lực của mọi người. Suy cho cùng, nội lực là cách duy nhất để chúng ta vượt qua rào cản tự thân của việc đọc sách. Dù có thuộc về rất nhiều đội nhóm thì khi cầm quyển sách trên tay, bạn cũng thấu cảm được một cách rõ ràng đây là công việc đơn độc và chỉ có thể làm một mình. Nhưng đồng thời sách lại chính là một người bạn. ‘Giao tiếp’ với sách để hành vi đọc trở nên chủ động và kích thích tư duy đa chiều. Đặt sách trong dòng chảy nhận thức chứ không chỉ đơn thuần là bổ sung thêm một ‘cái biết’.

Do đó, nếu không có một động lực rõ ràng bạn dễ bỏ cuộc. Hãy bắt đầu với một lý do chính đáng hơn là sự giải trí. Dưới góc độ giải trí thói quen đọc sách đang phải cạnh tranh không cân sức với những hình thức nghe/nhìn khác, các đoạn tweets trên mạng xã hội, video ngắn trên TikTok. Ngay cả phim cũng phải tóm tắt và sử dụng giọng đọc điện tử bắn nhanh như máy thì cầm một cuốn sách lên là việc làm khá buồn tẻ, nhất là khi chiếc điện thoại với Wi-Fi căng đét liên tục sáng notification (thông báo) bên cạnh. 

Đọc sách mang lại lợi ích phi thường

Ở một khía cạnh khác chúng ta cũng đừng vội khoác lên sách những giá trị khó định lượng như là: đọc sách để thành công, người thành công thường hay đọc sách... Thực tế một mục tiêu cụ thể với khát khao tri thức cho chính mình sẽ giúp bạn đọc sách bền bỉ hơn, nhất là trong các tình huống học tập. Sẽ hữu ích nếu bạn thực sự quan tâm đến chủ đề đang đọc. Tuyệt vời nhất là khi sách giải quyết được vấn đề của bạn.

Đôi khi bạn từ chối sách không phải do lười biếng mà do đọc quá nhiều những tác phẩm không phù hợp. Đọc không nên là một nhiệm vụ nặng nề. Nếu bạn không thích cuốn sách đang cầm trên tay, hãy bỏ qua. Ai đó nói với bạn cuốn này hay, không có nghĩa là bạn phải thích nó. Sách best seller chưa chắc đã là gu của bạn hoặc không có thứ bạn cần. Hãy trả lời câu hỏi mình đang tìm kiếm hoặc yêu thích điều gì? Sau đó bắt đầu bằng việc chăm chỉ đọc review trước khi quyết định ngấu nghiến cả quyển. 

Cũng cần bổ sung thêm một cách vượt qua rào cản tự thân hiệu quả, đó là tham gia các challenge (thử thách) cùng đội nhóm của mình hoặc cộng đồng yêu sách. Khi không có mục tiêu cá nhân hãy tạo ra mục tiêu tập thể. Kết quả thường là không tệ chút nào với tính liên tục của giải đấu và bạn thường xuyên nhìn thấy vị trí của mình trong bảng xếp hạng. Đó có thể là những cuộc thi chia sẻ sách hay, cam kết đọc sách cùng đồng đội vào khung giờ nhất định trong ngày…

Trong thời đại mutilmedia hiện nay sách lại là lựa chọn cân bằng. Khi mạng xã hội bộc lộ nhiều tác hại cả về nội dung truyền tải cũng như các yếu tố thuộc về đặc thù nền tảng thì những lợi ích mà đọc sách mang lại là phi thường và bất ngờ như: nó có thể giúp chống lại bệnh Alzheimer; giảm căng thẳng tới 68% (theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Sussex); dành 30 phút đọc sách mỗi ngày có thể kéo dài tuổi thọ của bạn thêm nhiều năm...

Lan Hương