Nhiều người trẻ mê đọc sách…
Vốn là sinh viên kiến trúc tốt nghiệp ra trường năm 2021, Lê Văn Bảo đang làm việc cho một công ty ở đường Láng (Hà Nội) và vẫn dành thời gian đọc sách hàng ngày.
Bảo kể, trung bình mỗi ngày đọc sách khoảng, thường là vào buổi tối. Thể loại anh hay đọc là văn học nước ngoài, theo trường phái hiện thực. Còn văn học Việt Nam chỉ thích đọc tác phẩm của các cụ ngày xưa như Nam Cao, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Những cây bút trẻ bây giờ chưa ai đủ sức hút với chàng kiến trúc sư.
“Khi đọc sách, phải hướng vào nội dung để cảm nhận từng chi tiết, nhân vật. Đây là một cách rèn luyện sự tập trung, từ đó có thể vận dụng tăng hiệu quả trong công việc. Đọc sách cũng giúp mình nhìn nhận cuộc sống đa sắc màu, biết được nhiều điều ý nghĩa hơn. Chính vì thế, dù không dư dả lắm, chi phí mua sách khá tốn kém nhưng khi đầu tư cho món ăn tinh thần này thì không có gì phải lăn tăn”, Bảo bộc bạch.
Là một đầu bếp làm ở đường Âu Cơ (Hà Nội), công việc khá bận bịu song Nguyễn Việt Huy vẫn cố gắng sắp xếp 2 - 3 tiếng mỗi ngày trước lúc đi ngủ để đọc sách. Thói quen này làm cho Huy thay đổi rất nhiều trong cách ứng xử, theo hướng tích cực hơn. Chẳng hạn, cuốn Bạch dạ hành - tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của Higashino Keigo giúp anh sẵn sàng nhìn nhận, đối diện và vượt qua nhiều trắc trở trong cuộc sống.
Nam đầu bếp trẻ thường xuyên đi hội sách để trực tiếp cầm nắm, nhìn ngắm những quyển sách mình mong muốn. “Nhiều cuốn giá khá cao, nhưng khi mình thực sự đam mê, thích rồi sẽ cố gắng để sở hữu”, Huy vui vẻ tâm sự.
Với Nguyễn Thu Phương, sinh viên năm thứ 3 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc học tốn rất nhiều thời gian, nhưng ngày nào cô cũng duy trì khoảng 30 phút đến 1 tiếng đọc sách để làm giàu tri thức, kỹ năng sống.
Phương thích đọc sách về phát triển bản thân. Những cuốn sách “gối đầu giường” của nữ sinh viên này là: Hành trình về phương Đông, Muôn kiếp nhân sinh, Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi… và một số tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Thói quen đọc sách được hình thành từ khi Phương còn nhỏ, thông qua những trang sách lấp lánh nụ cười tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hay tác phẩm nổi tiếng như Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài…
Hồi học cấp 3, nhà ở Vĩnh Phúc, thỉnh thoảng Phương vẫn bắt xe buýt lên Hà Nội dự các hội sách ở Công viên Thống Nhất, trường Bách Khoa…, nơi trưng bày đủ thể loại tác phẩm và có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu thói quen đọc của mọi người.
… và những mong muốn
Ưa thích tiểu thuyết trinh thám, lãng mạn, sách phát triển bản thân…, Nguyễn Việt Huy mong muốn có những tác phẩm với tình tiết khó đoán hơn, những cuốn sách đi sâu vào các khía cạnh tâm lý và xã hội hấp dẫn hơn.
“Gần đây, mình đọc quyển Đường hầm của Hàn Quốc nói về sự tàn khốc của cộng đồng mạng, phản ánh đúng thực tế xã hội hiện nay. Mình rất mong đọc được những cuốn sách như vậy”, Huy bày tỏ.
Rất thích thể loại sách phát triển bản thân song một số cuốn sách chứa đựng tri thức, thuộc dạng best-seller (bán chạy nhất - PV) được đầu tư chỉn chu, thiết kế dạng bìa cứng đẹp mắt vẫn “vượt tầm” đối với nữ sinh viên Nguyễn Thu Phương vì giá đắt.
Mong muốn của Phương là các nhà xuất bản nghiên cứu làm ra một số phiên bản mini hoặc bìa mềm để đối tượng sinh viên, người thu nhập thấp có thể mua được, thêm cơ hội tiếp cận với sách hay.
Cùng với đó, Phương mong các nhà xuất bản, đơn vị làm sách tổ chức thêm nhiều hội chợ, tạo “sân chơi” cho công chúng vừa được đọc, mua sách vừa được giao lưu với những người cùng sở thích.
Chung đam mê đọc sách giống như các bạn trẻ Bảo, Huy, Phương kể trên, cô giáo tiểu học Nguyễn Anh Nguyệt ở Hà Nội thường dành 1 - 2 tiếng mỗi tuần để đọc sách nhằm giải tỏa căng thẳng, tích lũy thêm kiến thức.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, Anh Nguyệt nói: “Tôi muốn ngành xuất bản Việt Nam có những đầu sách chất lượng hơn, phản ánh đời sống xã hội rõ nét hơn, để độc giả tiếp cận nhiều hơn”.