Ngày 28/2, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp với 19 tập đoàn, tổng công ty đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc này.
Đường nào cũng gặp khó
Tại hội nghị, lãnh đạo các hãng hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ đều nêu bật những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Cập nhật tình hình số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không, ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết: “Cập nhật ngày hôm qua tình hình khác rất nhiều, xấu đi gấp đôi”.
Lo dịch bệnh Covid-19: Đường nào cũng 'tắc' |
Sau Trung Quốc, hai thị trường quan trọng bậc nhất của Vietnam Airlines là Nhật Bản và Hàn Quốc đã bùng phát dịch khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, việc học sinh, sinh viên nghỉ học dài khiến mùa hè năm nay với ngành hàng không cũng không còn “cao điểm”.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, dịch bệnh khiến ngành hàng không thế giới gặp bước lùi khoảng 4-5 năm. “Tích lũy của 4-5 năm vừa qua quay về con số 0”, đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Sở hữu đội tàu bay gồm 100 chiếc, Vietnam Airlines cũng đối mặt việc thừa máy bay. “Tuần trước báo cáo thừa 20-30 máy bay nhưng tuần này có thể phải thừa 40 chiếc”, ông Thành nói.
Vietnam Airlines đang phải đàm phán với lao động người nước ngoài để họ nghỉ không lương một thời gian. Ngoài ra, hãng cũng thực hiện giảm lương lãnh đạo 40%. Còn nhân viên chưa áp dụng giảm lương, nhưng nghỉ luân phiên không hưởng lương.
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) nói về bức tranh khá “ảm đạm” sau 1 tháng dịch bệnh. Ông Phiệt chia sẻ: "Khi Trung Quốc xảy ra dịch bệnh, chúng tôi dự báo chỉ giảm 30-35% khách, nhưng 1 tuần gần đây khi Hàn Quốc bùng phát dịch, dự báo sản lượng khách giảm 50-55%. Các chuyến bay đi Hàn Quốc gần như sẽ không có khách vì dịch bùng phát mạnh. Lượng khách đi Nhật Bản cũng giảm tương đối".
Lãnh đạo Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam cũng cho hay bị giảm doanh thu và lưu lượng so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 14%, khiến doanh thu dự kiến giảm 600 tỷ so với kế hoạch. |
Đồng tình với lo ngại của lãnh đạo Vietnam Airlines là năm nay không có “cao điểm hè” do việc nghỉ học của học sinh, sinh viên, ông Vũ Thế Phiệt dự báo khách quốc tế giảm 25 triệu, khách nội địa giảm 20 triệu. Từ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng lớn.
“Tôi thường nói các hãng hàng không thiệt 1, thì ACV thiệt 1,2-1,5 lần. Bởi vì hoạt động của ACV liên quan đến toàn bộ hoạt động dịch vụ qua cảng”, ông Phiệt nói và trông đợi vào việc các hãng hàng không mở thêm đường bay mới.
Chung cảnh với hàng không là vận tải đường sắt. Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết năm nay gặp “khủng hoảng kép”. Bởi ngay từ đầu, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch sửa chữa, cải tạo đường ray nên phải phong tỏa đường nhiều.
Ảnh hưởng của bệnh dịch làm lượng vận tải hành khách và hàng hóa qua đường sắt sụt giảm 35%. Giải pháp trước mắt của Tổng công ty Đường sắt là tăng vận tải hàng hóa, thay vì đóng mới toa xe chuyển sang thuê nhằm giảm áp lực tài chính. Đồng thời, không khai thác tuyến dài, mà chỉ tập trung tuyến ngắn, chỉ duy trì đoàn tàu Bắc - Nam.
“Thu nhập bình quân của ngành đường sắt đang thấp, nên không thể giảm lương, vì sẽ không ai làm. Do đó, chúng tôi bắt đầu cho nghỉ luân phiên”, lãnh đạo Tổng công ty cho hay.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng khốn đốn. Cú sốc dịch bệnh làm ngành vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề. Lãnh đạo Vinalines nói: “Các cảng biển đều báo cáo hoạt động giảm sút, đặc biệt hàng đi Trung Quốc, Hàn Quốc. Nếu châu Âu không kiểm soát tốt một số cảng lớn thì ngành vận tải biển toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề.
“Hiện có tàu không có hàng để chở. Muốn có hàng thì phải chạy xa, chạy tàu rỗng sang châu Phi lấy hàng. Như vậy chi phí quá cao, dòng tiền âm, không thể chạy nổi”, Vinalines chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban vốn làm việc với 19 doanh nghiệp trực thuộc. |
Nhiều ngành liên luỵ
Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) than thở tháng 1 đơn vị này có lãi, nhưng tháng 2 lỗ. Lượng tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh. “Khi không bán được hàng, chúng tôi tồn kho lớn. Trong khi đó, xu hướng giá thế giới lại giảm. Giờ chúng tôi còn bán hàng nhập từ tháng 12 năm ngoái”, ông Thắng lo ngại.
Đánh giá dịch bệnh này “quá kinh khủng”, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng: Các nhà máy sản xuất thuộc Vinachem hầu hết dự trữ nguyên liệu hết quý 1 hoặc nửa quý 2, nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thêm nữa thì phải dừng luôn. Không có nguyên liệu nhà máy sẽ phải nghỉ.
“Hiện giờ chúng tôi không thể nói thiệt hại bao nhiêu vì nguyên liệu vẫn còn”, ông Nguyễn Phú Cường đánh giá. “Tác động sẽ cực mạnh nếu trôi qua trung tuần tháng 4, khi đó sẽ cực kì căng thẳng. Nên tôi mong rằng tháng 4 tình hình sẽ ổn”.
Ông Nguyễn Phú Cường chia sẻ: “Đầu tiên chúng tôi dự báo hàng Trung Quốc không có thì đổi sang Hàn Quốc, Đài Loan. Nhưng giờ Hàn Quốc, Đài Loan cũng không trông chờ được nữa rồi. Cước vận chuyển từ thị trường xa khác về khiến giá đầu vào lớn, không cạnh tranh được”
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lo lắng khi giá dầu thô lao dốc do nhu cầu giảm.
“Các tổ chức đều dự báo một bức tranh rất xấu. Các nghiên cứu của OPEC đánh giá nhu cầu dầu thô giảm mạnh”, ông Hùng lưu ý, “Ngành dầu khí khai thác một ngày 230.000-280.000 thùng /ngày. Giá dầu giảm 1 USD thì dầu khí bị tác động 1 USD/thùng, con số suy giảm là rất lớn”.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng đến nay vẫn chưa định hình được sự biến chuyển của dịch bệnh Covid-19 như thế nào. Nhưng bước đầu, Việt Nam đã kiểm soát thành công.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, cần chủ động tiết kiệm chi phí không cần thiết. Việc cần làm thì phải làm, không thể dừng hoãn. Đặc biệt cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ, người lao động, đảm bảo có cuộc sống ổn định. Để khi công việc trở lại bình thường, doanh nghiệp có ngay đội ngũ cán bộ làm việc, không bị thiếu nhân lực.
Lương Bằng
Bế tắc ngưng trệ cận kề, hành động giải cứu khẩn cấp
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phản ảnh nhiều doanh nghiệp điện tử, dệt may, da giày,... chỉ còn đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3/2020.