Bộ Công thương vừa phát đi chỉ thị khẩn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; Chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; Miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Người dân sẽ không được giảm giá trong hỗ trợ lần 3. |
Với chỉ đạo này, đối tượng hỗ trợ miễn, giảm tiền điện và giá điện được thu hẹp lại so với 2 lần hỗ trợ trước đã được thực hiện.
Cụ thể, hộ tiêu dùng sinh hoạt, các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở hành chính sự nghiệp không được xem xét để hưởng chính sách này.
Trước khi, năm 2020, Chính phủ đã triển khai 2 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng giá trị trên 12.300 tỷ đồng với tổng thời gian giảm lên tới 6 tháng; Đợt 1 hơn 9.300 tỷ đồng đã được giảm trực tiếp cho khách hàng trong kỳ hóa đơn từ tháng 4 đến tháng 6; Đợt 2 với trên 3.000 tỷ đồng cho 3 tháng cuối năm là 10,11,12.
Trong đó, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được giảm 10% giá bán lẻ điện từ bậc 1 đến bậc 4 quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
Những khách hàng doanh nghiệp có kho chứa hàng hoá trong quá trình lưu thông được giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho ngành sản xuất.
Với khách hàng sản xuất và kinh doanh, giảm giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm với mức giảm 10%...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất việc điều hành giá xăng dầu linh hoạt; Tính toán, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức giá tăng giá đột biến trong nước. |
(Theo Báo Giao Thông)