Chính quyền thành phố Hà Nội đã bỏ lỡ một dịp thực hiện trách nhiệm giải trình của mình khi Phó ban Tuyên giáo trả lời phỏng vấn: không cần hỏi dân việc chặt cây.

Đứa trẻ và Tổng thống

Lần nọ tôi cùng chị bạn và đứa con nhỏ hơn 1 tuổi của chị đi chơi. Trước khi làm gì đó với con, bao giờ chị bạn cũng nói trước với cô bé: Mình cùng cô đi công viên chơi con nhé! Con có đồng ý không? Bây giờ mẹ sẽ bế con vào xe. Con ngồi ghế sau cho an toàn nhé, ghế riêng của con. Được không? Mẹ sẽ cài dây, thế. Cô ngồi đây cạnh con, còn mẹ lái xe nhé.

Tôi ngạc nhiên vô cùng trước cách chị báo trước việc chị định làm, hỏi ý kiến con, giải thích tại sao chị lại sắp làm thế, trong khi cháu bé còn là một bé con chưa biết nói. “Bé hiểu hết, và mình cần báo trước việc gì sẽ đến để bé yên tâm.” Chị giải thích. “Bé có quyền biết chuyện gì sắp diễn ra, tường tận nhất có thể.”

Một chuyện khác mới xảy ra, là sau hơn một tuần “biệt tích” trên truyền thông và gây ra nhiều đồn đoán, tổng thống Nga Putin tái xuất với câu đùa: “Cuộc sống sẽ thật buồn chán khi thiếu tin đồn”. Câu nói của ông Putin – may là nói đùa – có lẽ đúng cho cuộc sống...

{keywords}

Ảnh: những cây cổ thụ khỏe mạnh cũng bị đốn hạ (nguồn: internet)


Khi người dân hỏi chuyện chặt cây

Chuyện gần hơn đang xảy ra giữa thủ đô Hà Nội, nhiều người dân đang có nhiều câu hỏi xung quanh việc thành phố có kế hoạch chặt bỏ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố. Một số báo đã đưa tin vắn tắt về nguyên nhân, mục đích, chi phí và cách thực hiện. Phản ứng của người dân trên mạng xã hội như Facebook rất đa dạng: có người ủng hộ ngay, có người còn băn khoăn (liệu có đúng cây đó cần thay, ngân sách từ đâu, gỗ thải sẽ làm gì) nhưng tin tưởng chính quyền đang xử lý thỏa đáng. Có người như nhà báo Trần Đăng Tuấn chủ động gửi thư ngỏ đến Chủ tịch thành phố đề nghị giải đáp. Và cũng có rất nhiều tin đồn: cây thay thế bị nhập lậu, mang bệnh dịch, cây bị thay sẽ được “tái sử dụng”, đại gia nào bảo kê dự án này, vv..

Tiếc là, có lẽ chính quyền thành phố Hà Nội đã bỏ lỡ một dịp thực hiện trách nhiệm giải trình của mình khi Phó ban Tuyên giáo trả lời phỏng vấn: không cần hỏi dân việc chặt cây.

Tiếp cận thông tin là một quyền của người dân, và chính quyền có nghĩa vụ trả lời.

Quyền Tiếp cận thông tin của người dân đã được ghi trong Hiến pháp 2013 (Chương II, Điều 25). Mặc dù Luật tiếp cận thông tin còn đang được soạn, nhưng theo giải thích của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc về Quyền tiếp cận thông tin và thông lệ phổ biến ở nhiều quốc gia, thông tin ở đây bao gồm tất cả các tài liệu được nắm giữ bởi các cơ quan công hay cơ quan cung cấp dịch vụ công.

Quyền tiếp cận thông tin được thực hiện với nguyên tắc “công khai tối đa” là nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước và cơ quan cung cấp dịch vụ công. Theo đó, “bí mật” là một ngoại lệ hẹp, chỉ trừ thông tin riêng tư cá nhân của công dân được coi là bất khả xâm phạm và nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ, các bí mật khác – kể cả bí mật quốc gia, cũng phải được đặt trong một lịch trình giải mật công bố trước.

Văn hóa công khai

Quay lại chuyện chặt cây, người viết bài này cũng tin rằng việc thay đổi một vài trăm cây trên các phố Hà Nội là hợp lý. Ở nhiều phố, rõ ràng việc trồng hàng loạt cây hoa sữa chẳng hạn không đem lại lợi ích như mong đợi: không có bóng mát, mùi hương nồng nặc khó chịu, cành giòn dễ gẫy thậm chí có thể gây tai nạn. Nhưng những thắc mắc của người dân về quá trình, thậm chí về ngân sách của thành phố chi cho việc này, và tất cả các chi tiết xung quanh dự án thay cây là những thắc mắc hợp lệ và chính đáng.

Một dự án có mục đích tốt, chi phí không nhỏ có thể không chỉ làm thành phố đẹp hơn, mà còn nhiều niềm tin hơn với sự minh bạch và sẵn sàng đối thoại của người có trách nhiệm. Đây còn là một cơ hội tốt để chính quyền thành phố thể hiện trách nhiệm giải trình, sự tôn trọng dân chủ và sự nghiêm túc trong việc thực hiện nghĩa vụ với quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Một cơ hội tốt không nên để bị bỏ lỡ trong sự thất vọng của vài ngàn người đang lập nhóm cứu cây trên mạng xã hội – ngoài kia còn nhiều con mắt đang nhìn. 

 

THƯ NGỎ ÔNG TRẦN ĐĂNG TUẤN GỬI CHỦ TỊCH UBND TP. HÀ NỘI

 Kính gửi: Ông Nguyễn Thế Thảo

 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Thông tin về việc sẽ loại bỏ 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội và thực tế đang diễn ra việc chặt hạ cây xanh trên nhiều tuyến đường của Hà Nội đang gây nhiều lo lắng, băn khoăn và cả thắc mắc cho rất nhiều người dân, không chỉ ở Thủ Đô mà trong cả nước.

 Cần nói rằng người dân không phản đối chuyện chặt bất cứ cây nào. Nếu việc hạ cây vì những lý do bất khả kháng như:

 - Cây nguy hiểm,bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn

 - Cây gây hại cho sức khoẻ, cây không có tác dụng cho cuộc sống.

 - Do phải mở đường để đảm bảo giao thông

 thì chắc không ai có ý kiến khác.

 Hiện Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng đã khảo sát trên các tuyến phố và lọc ra 6700 cây thuộc dạng đó cần loại bỏ, cần thay.

 Tôi xin kiến nghị Ông Chủ tịch:

 Nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?

 Hãy thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể. Đánh dấu nhận biết 6700 cây đó, để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không. Nếu thoả đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở xây dựng cần có sự xem xét lại.

 Hãy để các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc:

 - Nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt.

 - Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào: Trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt

 - Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào. Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này. Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào.

 Đó cũng là thể hiện trách nhiệm thông tin công khai, minh bạch.

 Mong ông Chủ tịch quan tâm xem xét kiến nghị này.

 Trân trọng.

 Trần Đăng Tuấn

 Hộ khẩu thường trú: số nhà 132 Phố Mỹ đình- Quận Từ Liêm, Hà Nội

 Nơi ở: phòng 2302 Nhà 24T2 Đường Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội.

  •  Nghiêm Hoa/ Diễn ngôn