Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương mua gần 400 tấn vàng trong quý III/2022, tăng gấp 4 lần so với một năm trước đó. Con số này đưa tổng số vàng được mua trong năm nay lên mức cao nhất kể từ năm 1967, khi giá kim loại quý này giảm vì đồng USD tiếp tục mạnh lên.
WGC cho biết, không phải tổ chức lớn nào cũng công khai về việc nắm giữ vàng hoặc có thể họ sẽ đưa ra thông báo sau. Không loại trừ trường hợp những thương vụ mua thêm vàng mà không báo cáo.
Theo Nikkei, thị trường xuất hiện thông tin đồn đoán, Trung Quốc là một “tay chơi lớn”. Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc và một số quốc gia khác nhanh chóng giảm bớt sự lệ thuộc vào USD.
Những người quen thuộc mô hình mua vàng của Trung Quốc đều biết rằng, Bắc Kinh thực hiện các động thái tương tự trong quá khứ. Sau khi giữ im lặng kể từ năm 2009, Bắc Kinh gây sốc thị trường vào năm 2015 khi tiết lộ họ tăng lượng vàng nắm giữ thêm khoảng 600 tấn.
Từ đó tới nay, Trung Quốc chưa có một báo cáo nào về lượng vàng nắm giữ.
Itsuo Toshima, nhà phân tích thị trường cho rằng, Trung Quốc có thể mua một lượng vàng lớn từ Nga. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có khả năng mua lượng lớn vàng từ dự trữ 2.000 tấn vàng của Nga.
Giai đoạn đoạn "ngủ đông" từ năm 2009 đến 2015, Trung Quốc không tiết lộ bất kỳ giao dịch mua nào. Nhiều khả năng, Trung Quốc mua nhiều vàng hơn trong 3 năm qua. Tuy nhiên, họ còn một chặng đường dài mới theo kịp được số vàng dự trữ của Mỹ.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, kể từ cuối tháng 2 đến hết tháng 9, Trung Quốc đã bán 121,2 tỷ USD trái phiếu của Mỹ, giá trị tương đương 2.200 tấn vàng.
Còn Cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu vàng của Trung Quốc từ Nga tăng mạnh trong tháng 7, gấp 8 lần so với tháng trước và gần 50 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc tích trữ vàng trong bối cảnh giảm sự lệ thuộc vào USD.
Kể từ cuối tháng 4 đến gần giữa tháng 10/2022, hơn 527 tấn vàng đã rời khỏi các kho trữ vàng ở New York và London. Ngay sau đó, dòng chảy vàng đã đến các thị trường lớn của châu Á như Trung Quốc.